Bé trai nguy kịch do bắt rắn bỏ vào cặp sách
Bị rắn cắn vào ngón út tay trái, bé trai 7 tuổi ở Lạng Sơn đang trong tình trạng liệt toàn thân, phải thở máy...
Báo Lạng Sơn thông tin, em H.D.H (7 tuổi, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đang được cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ngày 17/10, trên đường đi học, H. đã gặp một con rắn khoang trắng khoang đen. Với ý định mang con rắn đến lớp để đùa nghịch, H. đã bắt rắn cho vào cặp sách và bị cắn vào tay.
Khi đến lớp, thấy H. kêu đau, cô giáo chủ nhiệm đã hỏi thăm và biết bé bị cắn vào ngón út tay trái. Giáo viên lập tức đưa trẻ đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tràng Định và liên lạc với gia đình. H. đang được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Loại rắn mà H. bắt được xác định là rắn cạp nia.
Vào bệnh viện tỉnh, bệnh nhi có biểu hiện sụp mi mắt, yếu tay chân, có dấu hiệu yếu liệt cơ hô hấp, thở khó khăn, liệt hầu họng. Các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã nhanh chóng đánh giá, cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy cho bệnh nhi.
Đến sáng 18/10, bệnh nhi vẫn trong tình trạng thở máy, liệt toàn thân, đồng tử giãn, rối loạn điện giải. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhi, các bác sĩ ở Lạng Sơn phải chuyển bệnh nhi lên tuyến trên điều trị tiếp.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh rằng, trẻ nhỏ, nhất là các bé trai rất hiếu động đang trong quá trình tìm hiểu về thế giới xung quanh, rất dễ gặp nguy hiểm khi chơi đùa, tiếp xúc với loài vật có độc. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng, đảm bảo an toàn cho trẻ và kịp thời phát hiện khi trẻ có những hành động nguy hiểm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Khi phát hiện nạn nhân bị rắn cắn, cần thực hiện ngay các bước sau:
- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.
- Trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.
- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương.
- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý hoặc nước sạch.
- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
- Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, khẩn trương đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất (có thể cầm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn).
Các bác sĩ cũng lưu ý những việc tuyệt đối không làm khi bị rắn cắn:
- Không tự ý garo, sơ cứu bởi nếu không đúng cách có thể dẫn tới hoại tử.
- Không tự ý chích rạch vết cắn, không hút nọc bằng miệng hay cố tình bôi các loại hóa chất như xăng, dầu, nước tẩy.
- Không tự ý bôi hay đắp thuốc lá lên vết thương làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Không cố đợi có triệu chứng mới đến viện, làm chậm thời gian cấp cứu kịp thời.