Bác sĩ cảnh báo các trường hợp thương tích nguy hiểm do bị chó cắn
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc bị chó cắn gây tổn thương nghiêm trọng vùng mặt, chân, tay… Các bác sĩ đưa ra khuyến cáo cho người dân khi bị chó cắn.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang thông tin, ngày 12/9, các bác sĩ của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng rách vùng má phải, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ, đau đớn. Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc chó nhà đang ăn, bé gái 3 tuổi lại gần xem thì bất ngờ bị con chó tấn công vào vùng mặt.
Ê kíp cấp cứu của bệnh viện đã tiến hành khâu vết thương phức tạp ngoài mặt, trong miệng và tiêm huyết thanh phòng dại cho trẻ. Hiện tại, sức khỏe và tâm lý bệnh nhi ổn định nhưng các vết thương vùng đầu, má, mũi sẽ để lại di chứng cho sức khỏe và tinh thần người bệnh về sau.
Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 83 tuổi nhập viện do bị chó nhà cắn. Bệnh nhân đã được phẫu thuật khâu vết thương phức tạp vùng mặt và múc nhãn cầu mắt.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng thông tin về việc phòng tiêm chủng vaccine của bệnh viện tiếp nhận 1 bệnh nhân đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng gần đứt lìa chân cùng nhiều vết cào cắn trên người do chó tấn công. Theo lời kể của bệnh nhân, người này bị chó nhà cắn cách đây 3 ngày. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.
Chia sẻ về các trường hợp bị chó cắn, BSCKI Lê Thị Hà - Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nói rằng, hằng năm có nhiều người bệnh, nhất là trẻ em bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Riêng những trường hợp trẻ nhỏ thường bị chó tấn công vào vùng đầu, mặt, cổ rất nguy hiểm, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Bác sĩ Lê Thị Hà khuyến cáo, các gia đình có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi phải được tiêm phòng dại, xích ở nơi xa, rọ mõm và cần nhắc nhở người thân tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ. Người dân cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong tất cả mọi trường hợp, chó càng lớn thì mức độ gây sát thương càng cao. Khi bị chó cắn nên kịp thời đưa người bị nạn đến cơ sở y tế để thăm khám và tiêm vaccine phòng dại đúng quy định.
Còn theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các gia đình cần tiêm phòng dại cho vật nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo...
Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Khi sơ cứu cần hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Người bị thương nên đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
- Đang tìm nguyên nhân trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B tại bệnh viện
- Vụ trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vaccine: Đã tìm ra nguyên nhân
- Những loại hạt trái cây đẹp da, tốt cho sức khỏe mà bạn không nên bỏ đi
- 4 cách chăm sóc mắt cho trẻ mới đi học
- Bệnh đau mắt đỏ có lây qua đường uống không?
- Không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn tại cơ sở giáo dục mầm non
- Mới vào năm học, TP.HCM đã chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2024
- 4 ngôi trường nào tại Hà Nội được đề nghị tặng Huân chương lao động?