Các bước sơ cứu người ngạt khí, nhiễm độc do hỏa hoạn ai cũng nên biết
Ngạt khí, ngạt khói là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong tại các vụ hỏa hoạn. Vậy, việc trang bị các kỹ năng sơ cứu người bị ngạt trong đám cháy là cực kỳ cần thiết.
Ngạt khí trong đám cháy nguy hiểm thế nào?
Thông tin trên VTV, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngạt khí do khói trong đám cháy, ngoài thiếu CO2, còn do sốc nhiệt, bỏng phổi, bỏng da,… Chính vì thế, ngạt khí ở mỗi đám cháy nguy hiểm hơn các vụ tai nạn ngạt khí do những nguyên nhân khác.
Thành phần chính trong khói là CO, CO2, muội than và các chất hữu cơ chưa cháy hết. Đối với CO2, khi hít phải quá nhiều vào trong cơ thể dễ gây ra hiện tượng ngạt khí, dẫn đến hôn mê và có thể tử vong. Bên cạnh đó, chất khí CO tuy không có hàm lượng cao như CO2 nhưng sự nguy hiểm lại cao hơn rất nhiều. Hồng cầu trong cơ thể sẽ chuyển từ đỏ sang đỏ tía, việc cung cấp oxy giảm nghiêm trọng, khiến cho cơ thể và nạn nhân sẽ đi vào trạng thái bất tỉnh rất nhanh nếu không có sự can thiệp kịp thời.
Hơn thế, trong các đám cháy nhiệt độ không đạt đủ tới mức cần thiết, các hợp chất hữu cơ sẽ chỉ thực hiện được một phần quá trình cháy, biển đổi thành các hợp chất trung gian mang độc tố cực kỳ có hại cho cơ thể.
Tại các ngôi nhà xây dựng bằng vật liệu, vật dụng dễ cháy như nhựa tổng hợp hay các chất hữu cơ, khi hòa trộn với nhau sẽ gây ra một hợp chất độc hại mới có thể dẫn đến hậu quả về sau rất nguy hiểm.
Theo PGS Trần Hồng Côn, khi gặp sự cố, tâm lý mọi người thường hoảng loạn, không có thời gian để phản ứng. Vì vậy, mọi người cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Thêm nữa, mọi người nên được đào tạo bài bản để có kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra.
Các bước sơ cứu người bị ngạt khí đám cháy
1. Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng sớm nhất có thể
Đầu tiên, cần nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi đám cháy, dập lửa ngắt điện.
Cởi hoặc cắt bỏ quần áo bị cháy hoặc thấm đẫm nước sôi, nhẫn, đồng hồ trước khi phần bỏng sưng nề.
Đặt nạn nhân ở nơi an toàn, thoáng, cao ráo để có thể thực hiện chữa sơ bộ ban đầu có hiệu quả.
Đánh giá ban đầu, bảo đảm những chức năng sống
Tiếp theo, cần thăm khám nhanh để kịp thời đánh giá trạng thái toàn thân nạn nhân, đánh giá sơ bộ mức độ tổn thương. Nếu ngừng thở, hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.
Ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch
Sau khi bị bỏng, cần nhanh chóng ngâm rửa bằng nước mát. Nhiệt độ nước tiêu chuẩn từ 16 – 20 độ C, thời gian ngâm rửa kéo dài từ 15 – 45 phút và có thể ngâm rửa đến khi hết đau rát.
Tại nơi bị nạn cần tận dụng nguồn nước sẵn có, có thể là nước máy, nước giếng, nước mưa hay nước đun sôi để nguội.
Sau ngâm rửa, chú ý giữ ấm và tránh gió lùa, nhất là mùa đông, tuyệt đối không dùng nước đá bởi có thể gây nhiễm lạnh.
Che phủ tạm thời vết bỏng
Dùng vật liệu sạch như gạc y tế hoặc khăn tay, khăn mặt... để che phủ vùng bỏng. Với vùng mặt, vùng sinh dục bị bỏng, chỉ cần phủ một lớp gạc, tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng.
Tuyệt đối, không được bôi bất kỳ chất gì vào vùng bỏng khi chưa vệ sinh sạch sẽ và không có hướng dẫn của nhân viên y tế.
Ủ ấm, bù nước và muối sau bỏng
Cần ủ ấm cho nạn nhân sau khi bị bỏng, nhất là vào mùa đông. Bên cạnh đó, cần bù nước bằng cách cho uống oresol, nước chè đường ấm, nước mì tôm, nước cháo loãng, nước hoa quả.
Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất
Cuối cùng sau khi tiến hành sơ cấp cứu xong cần vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế một cách nhanh chóng nhất.
Trường hợp bị bỏng kết hợp với chấn thương, gãy xương thì trước khi vận chuyểnthì cần cố định tạm thời cùng chấn thương và xương bị gãy. Nếu bỏng nặng, tốt nhất nên vận chuyển nạn nhân bằng xe cứu thương. Trên đường vận chuyển vẫn tiếp tục phải theo dõi chức năng sống, cho nạn nhân uống nước và thuốc giảm đau.