Thứ năm, 14/09/2023, 05:08 (GMT+7)

Thói quen sạc pin xe điện qua đêm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Thời gian qua, trên thế giới và tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ cháy xe điện, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng xe điện đúng cách đề phòng nguy cơ cháy nổ.

Sử dụng xe điện (ô tô, xe gắn máy, xe đạp điện...) đang là xu hướng của thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này, có nhiều vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện của xe.

Thời gian qua, nhiều vụ cháy xe điện cũng đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ở Việt Nam, điển hình như vụ hỏa hoạn liên quan tới xe điện gây tử vong cùng thiệt hại rất lớn về tài sản đã xảy ra tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào ngày 13/7/2023 hay vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe điện ở Hà Nội vào ngày 19/7/2023...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố cháy nổ xe đạp điện, xe máy điện, như do chất lượng sản phẩm (xe giá rẻ, kém chất lượng); sự cố từ bình ắc quy; không bảo hành, bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện; tự ý lắp thêm phụ kiện, làm thay đổi kết cấu xe, tác động đến các dây điện; hệ thống điện đã cũ hay quá trình sạc điện thiếu an toàn…

canh-giac-phong-ngua-chay-no-xe-may-dien-xe-dap-dien
Người dân cần cảnh giác đề phòng nguy cơ cháy nổ xe điện. (Ảnh: ST)

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ bộ phận ắc-quy và hệ thống điện. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng lại chưa để ý tới bộ phận này của xe.

Động cơ xe điện bao gồm nhiều loại ắc quy, pin, phổ biến là loại Pin lithium ion. Việc sạc điện cho ắc quy, pin theo nguyên lý: Nguồn điện xoay chiều 220V được chuyển sang một chiều qua bộ đổi điện và sạc điện cho ắc quy, pin.

Do quá trình vận hành, hệ thống động cơ của xe điện có thể xảy ra nhưng hư hỏng đáng kể cần được bảo dưỡng định kỳ để hạn chế những tai nạn có thể xảy ra. Tuy nhiên, người dùng hầu như không có thói quen bảo dưỡng xe định kỳ. Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu bình ắc-quy và hệ thống điện không đảm bảo an toàn có thể gây chập cháy.

Theo nhận định của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, việc sử dụng ắc-quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế hoặc chở quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây nổ.

Bên cạnh đó, bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại cũng là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở xe điện, do mối hàn... dẫn đến cháy. Hoặc việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin.

Thực tế, các vụ cháy xe điện khi đang sạc hoặc đang sử dụng vẫn xảy ra, chủ yếu do sử dụng và vận hành sai cách. Mặt khác, nhiều người có thói quen đi xe điện về chiều tối cắm sạc xong bỏ đó qua đêm là rất nguy hiểm.

Để đề phòng nguy cơ cháy nổ xe điện, người tiêu khi lựa chọn dòng xe này nên chọn mua những dòng xe có thương hiệu hoặc đã qua kiểm định an toàn; chọn những nơi bán xe điện uy tín, chất lượng để đảm bảo xe có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn theo quy định. người dân chỉ nên sử dụng pin chính hãng, sử dụng tế bào pin của các hãng uy tin, pin phải được Cục Đăng kiểm kiểm định và cấp chứng nhận.

Đồng thời, đề phòng nguy cơ cháy nổ xe điện, người dùng cần tuân thủ theo những chỉ dẫn từ nhà sản xuất. Đơn cử khi sạc điện thì phải sạc vào thời điểm mà chúng ta có thể kiểm soát được; tuyệt đối không sạc pin xe điện qua đêm và không có người lớn ở nhà. Thời điểm tốt nhất là sạc vào ban ngày, trong điều kiện phải sạc vào ban đêm, bắt buộc phải sạc xe tối đa 8 tiếng.

Tư vấn sử dụng điện, thiết bị điện an toàn, tiết kiệm - Báo Người lao động
Không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… (Ảnh: ST)

Vị trí cắm sạc cũng quan trọng, phải là chỗ dễ quan sát, khô ráo bởi, cách xa các vật liệu dễ cháy nổ, nếu có sự cố thì sẽ nhanh chóng phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi cắm sạc phải cắm chắc chắn, tránh việc phóng tia lửa điện trong lúc sạc. Xe mới đi về dù yếu điện thì cũng không nên sạc ngay mà chờ khoảng 15 - 20 phút rồi mới cắm điện. Khi hệ thống báo pin chỉ còn 25 - 30% là lúc thích hợp nhất để sạc.

Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị, kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ); thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất...

Cùng chuyên mục