Thứ năm, 14/09/2023, 12:16 (GMT+7)

Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, chuyên gia chỉ cách phòng ngộ độc khí CO

Hầu hết các nạn nhân liên quan đến vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) bị ngộ độc khí CO. Vậy cần làm gì để phòng ngộ độc khí CO?

Thống kê vào tối 13/9 cho thấy, số người tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã lên đến 56 người, số người bị thương được điều trị tại các bệnh viện là 37 người. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu hầu hết bị ngạt khói, ngộ độc khí CO. Từ đó cho thấy vấn đề phòng chống ngộ độc khí CO, ứng phó với việc ngạt khí khi tiếp xúc với CO là điều cấp thiết.

ngo doc khi CO Tiepthigiadinh H1
Nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ được đưa đi cấp cứu.

Cần làm gì đề phòng ngộ độc khi CO?

Để phòng ngộ độc khí CO trong đám cháy, bác sĩ Doãn Uyên Vy khuyến cáo người gặp nạn cần sử dụng khăn thấm nước che kín miệng và mũi nhằm lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước.

Bên cạnh đó, nạn nhân phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da. Khi lượng khói phát sinh nhiều, phải cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra ngoài.

Quan trọng nhất là cố gắng giữ bình tĩnh gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để được cứu nạn kịp thời.

Ngoài ra, mỗi cá nhân cần chủ động trong việc phòng ngộ độc khí CO. Theo đó, cần lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hơi khí độc nơi sản xuất; giám sát thường xuyên nồng độ CO trong không khí môi trường lao động đối với các ngành nghề có nguy cơ nhiễm độc CO; cung cấp oxy đầy đủ khi đốt các vật liệu có cacbon sẽ giảm sự phát sinh CO; thông gió đối với lò; nơi xảy ra hỏa hoạn phải có trang bị phòng hộ, có dụng cụ thở; trang bị mặt nạ cho công nhân làm việc ở những vùng ô nhiễm CO cao.

Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, chuyên gia chỉ cách phòng ngộ độc khí CO
Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, chuyên gia chỉ cách phòng ngộ độc khí CO. (Ảnh minh họa)

Cách sơ cứu người nhiễm độc khí CO?

VnExpress dẫn lời bà Trang Nguyễn, người đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn SSVN (chuyên đào tạo các khóa học sơ cấp cứu và thoát hiểm cho người dân) cho biết, nguyên tắc đầu tiên trong việc sơ cứu người bị ngộ độc khí CO là người thực hiện cứu hộ phải đảm bảo được an toàn của chính mình trong suốt quá trình cứu nạn. Trong trường hợp không có chuyên môn, kinh nghiệm và nhận thấy nguy cơ mất an toàn cao, nên hỗ trợ sơ cấp cứu cho người bị nạn khi họ đã được đội cứu hộ đưa ra khỏi hiện trường đám cháy.

Sau đó, cần đưa nạn nhân đến nơi thoáng mát, có đủ khí oxy. Tùy vào tình trạng chấn thương của từng người để có cách xử trí phù hợp. Trong đó, gọi người cấp cứu và ưu tiên xử trí vấn đề nghiêm trọng trước, đặc biệt là hồi sức tim phổi cho người đã ngưng thở, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

Với người còn tỉnh táo và hô hấp được thì để họ nằm, ngồi nghỉ ở chỗ râm mát, thoáng khí. Nên cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.

Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn hô hấp được, cho họ nằm nghiêng để đờm dãi không làm bít đường thở. Trường hợp có bình oxy nên cho họ thở ngay.

Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường phải hồi sinh tim phổi bằng cách ép tim, hà hơi thổi ngạt trước. Để thực hiện sơ cứu, cần để nạn nhân nằm lên bề mặt cứng. Người sơ cứu lồng hay bàn tay vào nhau và đặt cườm tay ngay giữa lồng ngực (vị trí giữa hai núm vú), sau đó ép xuống nhanh, mạnh. Mỗi nhịp lồng ngực lún sâu xuống khoảng 5-6 cm. Sau mỗi 30 lần ép tim thì thực hiện thổi ngạt hai lần. Lặp lại các thao tác liên tục cho đến khi nạn nhân có sự sống hoặc được nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến hỗ trợ.

Khi thổi ngạt, người sơ cứu dùng miệng thổi hơi thở của mình vào miệng của nạn nhân, đồng thời dùng tay để bịt chặt mũi và ngược lại (tức là thổi vào mũi thì bịt chặt miệng), để hơi thở không bị thoát ra ngoài. Ngoài ra, nếu phát hiện nạn nhân có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần móc ra để làm thông thoáng đường thở cho nạn nhân.

Cách xử trí khi gặp nạn nhân ngộ độc khí CO. (Ảnh: Freepik)
Cách xử trí khi gặp nạn nhân ngộ độc khí CO. (Ảnh: Freepik)

Nếu nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể 10-20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy cơn đau bớt bỏng rát, không còn phừng phừng nữa. Tuyệt đối không nên dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm trực tiếp lên người nạn nhân. Theo chuyên gia, điều này có thể gây bỏng lạnh cho nạn nhân.

Ngoài ra, nên cởi quần áo, tháo bỏ trang sức, phụ kiện... ở vùng da bị bỏng. Khi vùng bỏng sưng lên, phồng rộp, các lớp quần áo, trang sức này có thể dính chặt vào vết thương, vừa khó cởi bỏ và gây đau đớn, trợt da.

Sau đó, có thể dùng màng bọc thực phẩm sạch đắp lên vết thương, che bụi bẩn, tránh nhiễm trùng cho nạn nhân. Lúc này, nếu nạn nhân vẫn đau rất nhiều, có thể dùng đá lạnh chườm với tác dụng giảm đau và đưa họ tới bệnh viện.

Cùng chuyên mục