Thứ tư, 27/09/2023, 11:14 (GMT+7)

Vụ bé 3 tuổi tử vong do tay chân miệng, bác sĩ lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm không được bỏ qua

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Triệu chứng chung khi mắc tay chân miệng là nổi mụn đỏ, sốt cao... Đặc biệt, có những dấu hiệu nguy hiểm mà bố mẹ cần lưu ý đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Liên quan đến vụ việc một bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho hay, cháu bé 3 tuổi, sống tại Cà Mau. Thông qua khai thác thông tin từ gia đình, trước đó bé có biểu hiện sốt, mệt mỏi và đã được đưa đến điều trị bệnh viện ở địa phương. Tuy nhiên, bệnh diễn biến trở nặng đến độ 4, bé phải thở máy.

Sau 2 ngày thở máy nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM cấp cứu. PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, thời điểm bệnh nhi nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch. Dù được đội ngũ y bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhi đã chỉ sau 15 phút nhập viện, bệnh nhi đã ngưng tim và tử vong chỉ sau 15 phút. 

“Trường hợp mắc tay chân miệng của bệnh nhi rất nặng, chúng tôi đã cố gắng cứu chữa nhưng bé không qua khỏi. Quãng đường từ Cà Mau đến TP. Hồ Chí Minh là quá xa” - Bác sĩ Phạm Văn Quang chia sẻ.

Bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng 

Ở giai đoạn khởi phát từ 1 - 2 ngày, trẻ mắc tay chân miệng sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi, biếng ăn, tiêu chảy,.. Tiếp đó, cơ thể bắt đầu có các vết phồng rộp, phát ban ở tay, chân hoặc trong khoang miệng.

tay-chan-mieng
Triệu chứng chung của trẻ mắc tay chân miệng là nổi mụn đỏ, sốt cao,.. (Ảnh: Freepik)

Theo các thống kê, hầu hết trên 90% các ca bệnh tay chân miệng sẽ khỏi sau 7 - 10 ngày, kể từ thời điểm nhiễm bệnh. Song, vẫn có 5% trẻ gặp phải các biến chứng nặng, nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

3 dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng cần đưa đến bệnh viện ngay

Nếu con có 3 triệu chứng dưới đây khi mắc tay chân miệng, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

- Trẻ không ngừng quấy khóc

Không ít phụ huynh cho rằng khi bị ốm, con quấy khóc vì khó chịu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ đang bị tay chân miệng và quấy khóc cả đêm hoặc trong lúc ngủ cứ 15 - 20 phút sau lại dậy và khóc liên tục thì bạn cần hết sức lưu ý. Bởi đây là một trong những triệu chứng báo hiệu tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn đầu khi mắc bệnh.

tay-chan-mieng 2
Trẻ quấy khóc liên tục có thể là dấu hiệu nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn (Ảnh: Freepik)

- Liên tục sốt cao không hạ

Với những ca mắc tay chân miệng trở nặng, trẻ dễ bị sốt trên 38,5 độ C liên tục trong hơn 48h và không thuyên giảm dù đã uống hạ nhiệt Paracetamol. Điều này chứng tỏ mức độ viêm của cơ thể đã rất mạnh dẫn đến nhiễm độc thần kinh. Lúc này, phụ huynh cần có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ về phương pháp điều trị, bao gồm cả hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt đặc biệt chứa Ibuprofen.

tay-chan-mieng 1
Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C liên tục khi bị tay chân miệng là một trong những triệu chứng nguy hiểm (Ảnh: Freepik)

- Thường xuyên giật mình

Khi bị nhiễm độc thần kinh, trẻ thường xuất hiện chứng giật mình. Do vậy, bố mẹ cần lưu ý theo dõi, quan sát hoạt động của trẻ, đặc biệt là tần suất bị giật mình để có hướng điều trị nhanh chóng. 

Ở trên là 3 dấu hiệu cảnh báo trẻ bị mắc tay chân miệng nặng được bác sĩ khuyến báo. Nếu trẻ xuất hiện một trong các triệu chứng này, phụ huynh cần đưa đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín để kịp thời bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Cùng chuyên mục