Thứ tư, 19/06/2024, 12:04 (GMT+7)

Định danh người bán là 'đòn bẩy' để giải quyết vấn nạn hàng giả trên thương mại điện tử

Theo các chuyên gia, việc xử lý hành chính chỉ là một lượng rất nhỏ so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Theo đó, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn nạn là định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử.

Hàng giả lộng hành ở tất cả các nhóm hàng 

Thời gian qua, không ít đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử để mua bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực trạng này ngày càng diễn ra phức tạp và tinh vi ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng. 

Theo đó, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel, Louis Vuitton, Hermes, Adidas... trên các sàn thương mại điện tử. Đáng chú ý, phần lớn trong số này là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên các hội nhóm trên các trang mạng xã hội. Tại các hội nhóm này, có hàng chục nghìn thành viên thường giới thiệu các mặt hàng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ với tên gọi như: hàng xuất dư, hàng Supe Fake, hàng 1:1, hàng Like Auth... Đây là những sản phẩm giả mạo về thương hiệu, chất lượng, không phải là hàng chính hãng. 

Thumb (55)
Hàng giả lộng hành ở tất cả các nhóm hàng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. (Ảnh: Ukranews)

Theo các chuyên gia, hành vi buôn lậu hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng số có tính ẩn danh rất cao, người vi phạm có thể dễ hàng che giấu nhân thân, tẩy xóa, sửa chữa thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội. Cũng với hình thức này, các đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn hàng giả, gian lận thương mại ở một số vị trí khác. 

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã xử lý 22 vụ, xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 250 triệu đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý trường Quảng Trị đã xử lý 23 vụ, xử phạt và tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 500 triệu đồng.

Điển hình trong tháng 5/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp trên 200 triệu đồng, theo Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường. 

Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử lành mạnh, bền vững. 

Xử lý hành chính là chưa đủ

Liên quan đến giải pháp xử lý vấn nạn này, ông Phạm Đức Thắng - Giám đốc Công ty Luật Thắng Phạm nhận định, việc xử lý hành chính chỉ là một lượng rất nhỏ so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, cần phải có biện pháp nặng tay hơn, đặc biệt là các vụ án hình sự và không nương tay với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, ràng buộc trách nhiệm giữa người bán và người mua hàng. 

Cùng quan điểm, ông Phan Minh Nhật - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho biết, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Dưới góc nhìn của ông, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua thương mại điện tử. 

Cũng theo Chủ tịch VACIP, hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua thương mại điện tử để giải quản lý người bán là ai, ở đâu...

Theo đó, khi một người sử dụng số định danh cá nhân để đăng kỳ tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả thì lập tức bị khóa sàn giao dịch và không thể thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, cần phải định danh rõ người bán trên thương mại điện tử, mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng dễ dàng thu thuế đối với các người bán vi phạm thông qua các số định danh cá nhân. Ngoài ra, để kiểm soát, quản lý thì “cần có sự phối hợp giữa chủ thể quyền, các cơ quan thực thi, các sàn thương mại điện tử để đánh giá quy mô, nguồn hàng, kho hàng, địa điểm sản xuất… hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ để tập trung xử lý", ông Phan Văn Nhật cho hay.

Thumb (95)
Định danh người bán sẽ thúc đẩy giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại. (Ảnh: TopZone)

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho rằng, yêu cầu định danh người bán là cần thiết và nên thực hiện sớm. Việc định danh trên cơ sở số điện thoại của người bán hàng trên sàn thương mại điện tử là cần thiết, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, số tài khoản ngân hàng ảo… Do đó, việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Về cơ chế, chính sách, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thông tin, các doanh nghiệp, hiệp hội đã đề nghị các bộ, ngành cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để giải quyết vấn nạn này, ông Dũng cho rằng phía cơ quan chức năng cần nâng cao khả năng nhận diện cho cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn vi phạm hàng giả, hàng nhái. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với phương thức thương mại điện tử nhằm chấn chỉnh, cũng như xử lý vi phạm, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh bền vững… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về sự ảnh hưởng cũng như tác hại của việc sử dụng hàng giả đến người dân.

Các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả vào sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại việc đấu tranh với hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp.

Các hiệp hội, ngành hàng cần chủ động trong công tác tìm kiếm, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng về các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh, vận chuyển, cất giữ và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp nói riêng cũng như vi phạm pháp luật nói chung, theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam. 

Cùng chuyên mục