Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 24/07/2023, 12:09 (GMT+7)

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ rơi vào khủng hoảng?

Theo nghiên cứu, hai giai đoạn trẻ dễ rơi vào khủng hoảng là "khủng hoảng tuổi" hoặc "thời kỳ nổi loạn". Cha mẹ cần nỗ lực và kiên nhẫn rất nhiều để cùng con vượt qua.

Giai đoạn khủng hoảng lúc trẻ 3-5 tuổi

Khủng hoảng tuổi lên 3 là biểu hiện cho sự chuyển giao từ giai đoạn ấu nhi (0-3 tuổi) sang giai đoạn mẫu giáo (3-6 tuổi). Ở giai đoạn này, tâm lý trẻ có sự thay đổi, kéo theo những cách cư xử có phần tiêu cực khiến bố mẹ nhiều lúc bất lực.

Hành động của trẻ cũng có sự biến đổi rõ ràng trong giai đoạn này. Trẻ trở nên tò mò với những thứ xung quanh. Trẻ cũng bộc lộ rõ những biểu hiện khác lạ như: không nghe lời, quậy phá hơn, có những hành vi vượt quá tầm kiểm soát của bố mẹ, dễ cáu gắt hay khóc, hay la hét, thích làm trái ý người khác... Những hành động này của trẻ khiến người lớn khó chịu và bực mình, dễ dẫn tới những hành động quát mắng, dùng bạo lực với trẻ.

khung hoang Tiepthigiadinh H1
Cha mẹ cần kiên nhẫn ở bên con trong giai đoạn khủng hoảng

Cha mẹ nên biết rằng, khủng hoảng tuổi lên 3 là một giai đoạn phát triển hết sức bình thường ở trẻ nhỏ. Giai đoạn này thường kéo dài từ khi trẻ 3 tuổi đến 5 tuổi với mức độ và cường độ khác nhau, phụ thuộc vào tương tác của người lớn trong môi trường của các bé. Nếu như không được hỗ trợ, các bé có thể sống mãi trong sự khủng hoảng đó, chịu những tác động ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi sau này.

Do đó, cha mẹ không nên có xu hướng cấm đoán, kiểm soát trẻ quá chặt chẽ. Tránh dẫn đến tình trạng tiêu cực, không tìm được tiếng nói chung đã dẫn đến những phản ứng gay gắt từ trẻ như bướng bỉnh, không nghe lời, muốn làm trái lời bố mẹ nhiều hơn... Cha mẹ hãy dành thời gian nhiều hơn cho con, cổ vũ, gần gũi để tạo sự tin tưởng cho con, giúp con vượt qua khủng hoảng không mong muốn.

Giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì

Bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ thay đổi về cả sinh lý như phát triển chiều cao, cân nặng, các bộ phận sinh dục, phát triển của não bộ... lẫn tâm lý như cảm xúc, tư duy... Trẻ bắt đầu có nhiều tò mò hơn về bản thân, giới tính, suy nghĩ nằm lửng lơ giữa giai đoạn trưởng thành và trẻ con rất khó nắm bắt.

Bất cứ ai cũng phải trải qua giai đoạn dậy thì, đây là bước đệm rất lớn để chứng tỏ mình là ai, mình muốn gì ở cả hiện tại và tương lai. Giai đoạn này, trẻ có thể trở thành một người hoàn toàn khác so với giai đoạn trước đó. Từ một người hoạt bát, trẻ bỗng dưng trầm mặc, ít nói, khép mình hơn và ngược lại.

khung hoang Tiepthigiadinh H2
Nhiều trẻ bước vào tuổi dậy thì có biểu hiện trầm mặc hơn

Phụ huynh và nhà trường cần hết sức hỗ trợ và giúp đỡ con trong giai đoạn này, phát hiện sớm những dấu hiệu khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và có biện pháp xử lý kịp thời. Quan trọng nhất vẫn là vai trò của cha mẹ. Nhiều người thường cho rằng con "hư" mà không biết bé đang trong thời điểm nhạy cảm. Do đó, cha mẹ cần tinh tế hơn để tìm hiểu và giúp đỡ con để tránh gây ra cảm giác đang kiểm soát cho các con.

Hãy cố gắng dành cho con sự riêng tư; đồng hành bên con như một người bạn, luôn tin tưởng và cổ vũ con. Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ có thể cho con gặp gỡ chuyên gia tâm lý nếu con gặp những vấn đề nghiêm trọng.

Cùng chuyên mục