Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 27/06/2023, 10:09 (GMT+7)

Cách chọn đậu đũa ngon, không ngấm hóa chất

Đậu đũa được đánh giá là nhóm rau có thể tồn dư khá nhiều hóa chất, do vậy cần biết cách lựa chọn, sơ chế và chế biến để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Mùa hè là thời điểm đậu đũa vào mùa thu hoạch. Loại rau này được nhiều người ưa thích để chế biến các món xào. Tuy nhiên, có không ít thông tin cho rằng, loại rau này thuộc nhóm tồn dư nhiều hóa chất vì chúng thường bị các loại sâu bệnh phá hoại khi quả bắt đầu hình thành.

dau dua Tiepthigiadinh H1
Đậu đũa là loại rau ngon, bổ dưỡng nhưng thuộc nhóm tồn dư nhiều hóa chất

PGS.TS,BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, đậu đũa cùng rau muống, rau ngót, cải xanh là những loại rau có nguy cơ cao bị tồn dư hóa chất. Còn các loại rau có nguy cơ thấp hơn là rau bí, rau su su, mồng tơi, súp lơ, cà chua, mướp đắng, dưa chuột…

Theo TS. BS Từ Ngữ - Hội Dinh dưỡng Việt Nam, các loại rau đều có nguy cơ tồn dư hóa chất mà qua khứu giác hay thị giác rất khó phát hiện, trong đó rau cải và các loại họ đậu có nguy cơ khá cao. Đậu đũa đang là rau theo mùa nên nhiều người sử dụng, nhưng cũng cần chú ý trong quá trình sơ chế và chế biến để hạn chế hóa chất tồn dư nếu có. Đậu đũa chỉ tước bỏ được phần xơ 2 bên nên việc loại bỏ tạp chất, tồn dư hóa chất là khó khăn hơn. Đó là chưa kể, nếu hóa chất ngấm vào trong thịt quả đỗ thì càng khó loại bỏ.

Do khó phân biệt được bằng mắt thường các loại rau chứa hóa chất, các chuyên gia khuyên bạn nên chọn mua đậu đũa ở nơi tin tưởng, có kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc mua ở ngoài chợ ngay cả những bó đậu có sâu chưa chắc đã an toàn, vì có nhiều loại sâu kháng thuốc hóa học.

dau dua Tiepthigiadinh H2
Đậu đũa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon

Khi chọn mua đậu đũa, các bà nội trợ lưu ý những điều sau

- Nên chọn quả đậu còn non, màu xanh chuối, cuống đậu màu xanh tươi, thân mềm, hạt vừa phải, không quá lớn hay quá nhỏ.

- Đậu đã được phun một lượng thuốc sâu lớn thì bề ngoài nhẵn bóng, và thường không có một vết sâu nào cắn.

- Tránh chọn những quả già vì quả sẽ hết ngọt và ít chất dinh dưỡng.

- Khi sơ chế đậu đũa nên rửa cả quả đậu dài, rửa từng quả một là tốt nhất, sau đó mới làm khâu tiếp theo.

- Khi chế biến, đậu có hóa chất sẽ tiết ra nước rất nhiều và thường không có vị ngọt đậm như đậu chuẩn. Đậu có thuốc sâu và hóa chất thì nước luộc đậu sẽ chuyển sang màu xanh sẫm, khác với màu nước trong của quả đậu thông thường.

Cùng chuyên mục