Căn bệnh đang ‘gõ cửa’ từng nhà: 3 thủ phạm cần tránh
Thói quen ăn uống không kiểm soát, lười vận động khiến nhiều người dưới 20 tuổi đã mắc đái tháo đường đặc biệt là trường hợp béo phì.
Đái tháo đường đã trở thành đại dịch
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết đái tháo đường đang là đại dịch. Hiện nay, nhiều dự đoán của Liên đoàn Đái tháo đường chệch hướng.
Ngay cả ở Việt Nam, đái tháo đường đang "gõ cửa" từng nhà, chạm tay từng người. Khi mắc đái tháo đường, tuổi thọ suy giảm từ 10-15 năm tùy theo biến chứng. Đặc biệt, nguy cơ tử vong của bệnh nhân đái tháo đường khi mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác đều tăng lên.
Theo bác sĩ Hưng, đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường, gây tăng đường huyết mãn tính kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và điện giải. Hậu quả muộn của các rối loạn chuyển hóa này là tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn dẫn tới các tai biến như đã nêu ở trên thậm chí có thể tử vong.
Hiện, mô hình bệnh tật thay đổi do lối sống khác biệt. Nhiều bệnh mãn tính không lây liên quan tới dinh dưỡng tăng lên trong đó có đái tháo đường. Những thủ phạm gây đái tháo đường gồm:
Béo phì: Tỷ lệ thừa cân béo phì đang gia tăng, đây là cửa ngõ của nhiều bệnh tật trong đó có đái tháo đường. Bác sĩ Hưng cho biết, tại Viện Dinh dưỡng, nhiều trường hợp rất trẻ dưới 20 tuổi, béo phì khi đi khám đã được chẩn đoán đái tháo đường type 2. Bệnh ngày càng trẻ hóa tỷ lệ thuận với tỷ lệ thừa cân béo phì.
Tiêu thụ quá ít rau xanh: Theo tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng, tổng tiêu thụ đạm, rượu bia gia tăng nhưng tỷ lệ tiêu thụ rau xanh, trái cây vẫn không đủ khuyến nghị 400g/ngày.
Lười vận động: Hiện nay các phương tiện đi lại, lao động đã cơ giới hóa nên tỷ lệ vận động của người dân giảm, dẫn tới năng lượng dư thừa, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm trong đó có đái tháo đường.
Thực phẩm là thuốc
Khi điều trị đái tháo đường, các bác sĩ phải thay đổi 2 thói quen xấu của người bệnh đó là chế độ dinh dưỡng, lười vận động. Sau đó, bệnh nhân mới được chỉ định dùng thuốc. Thực tế, bác sĩ Hưng chia sẻ bệnh nhân tới gặp ông đều than phiền ốm yếu, mệt mỏi do biến chứng của bệnh và muốn uống thuốc cho nhanh thay vì thay đổi lối sống hàng ngày. Thậm chí, bệnh nhân xin mổ hay can thiệp để vẫn được ăn uống thoải mái.
Bác sĩ Hưng cho biết các chuyên gia y tế đều hướng tới mục tiêu điều trị bệnh bằng thực phẩm. Thuốc là thực phẩm và ngược lại. Trong đó, người bệnh đái tháo đường sẽ được ưu tiên sử dụng thực phẩm.
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh quản lý lối sống cho bệnh nhân theo liệu pháp dinh dưỡng y học như ăn uống, sử dụng thực phẩm an toàn… người bệnh phải tuân thủ điều trị. Người bệnh tuân thủ điều trị dinh dưỡng có thể giảm 90% phải dùng thuốc insulin.
Lưu ý, chế độ ăn cho người đái tháo đường không phải chế độ ăn kiêng mà là chế độ ăn lành mạnh.
Thứ nhất, ăn để giảm cân: Khi cân nặng giảm sẽ giúp giảm chỉ số đường máu, chỉ số mỡ nội tạng, mỡ máu, giúp duy trì cân nặng hợp lý. Khi giảm cân, bạn nên ăn đủ năng lượng chuyển hóa cơ bản, không nên quá kiêng khem.
Thứ hai, chế độ ăn phải phù hợp: Một bữa ăn phải phù hợp với văn hóa vùng miền, khả năng chi trả của người bệnh. Việc ăn uống này phải duy trì lâu dài nên họ cần được tham gia các buổi liên hoan, cuộc vui như người bình thường.
Thứ ba, cách lựa chọn thực phẩm: Theo bác sĩ Hưng, với người bệnh đái thái đường ăn gì cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn rõ ràng từ số lượng ăn tới những thực phẩm cần tránh. Ăn bao nhiêu cũng phải dựa theo cân nặng, nhu cầu năng lượng của mỗi bệnh nhân, thói quen dinh dưỡng, hoạt động thể lực, bệnh lý kèm theo…
Ví dụ, một bệnh nhân nữ nặng 50kg, hoạt động lao động bình thường mức tiêu thụ calo khoảng 1250calo. Khi đó, bệnh nhân ăn các thực phẩm khác nhau nhưng cũng không nên vượt quá số calo trên. Hạn chế các thực phẩm như bánh mì trắng, cơm trắng. Ưu tiên các thực phẩm như khoai, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt.