Bất ngờ với công dụng tuyệt vời của rượu nếp - món ngon ngày Tết Đoan Ngọ
Rượu nếp là món ăn phổ biến, không thể thiếu trong các gia đình người Việt vào dịp Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những công dụng tuyệt vời với sức khỏe của rượu nếp.
Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tác hại không tốt cho cơ thể. Còn theo y học cổ truyền, cơm rượu có tính nóng, nên vào ngày mùng 5/5 âm lịch (là ngày cực dương, ngày sâu bọ sinh sôi nhiều nhất, bao gồm ký sinh trùng trong cơ thể con người), người ta thường ăn cơm rượu để ngăn những ký sinh trùng này có cơ hội phát triển.
Ngoài việc là món ăn quen thuộc với nhiều người Việt, rượu nếp còn có rất nhiều ích lợi với sức khỏe mà nhiều người có thể chưa biết tới. Rượu nếp là loại thực phẩm được làm từ nếp trộn với men rượu và đường glucose. Đây là thực phẩm giàu tinh bột, giàu vitamin nhóm B, B1 và chứa nhiều năng lượng. Rượu nếp cẩm có màu đen còn chứa chất chống oxy hóa anthrocyamin không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có tác dụng tốt cho các bệnh khác.
Công dụng chính của rượu nếp với sức khỏe
Giảm lượng cholesterol trong máu
Các nghiên cứu khoa học trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp cho thấy, cơm rượu nếp cẩm có thể làm giảm đáng kể lượng cholesterol có hại trong máu. Sau 12 tuần và sau 24 tuần, lượng cholesterol (gồm cholesterol có hại và tổng mức cholesterol) giảm nhiều ở những người ăn cơm gạo nếp cẩm.
Bởi công dụng trên, cơm rượu cũng được bệnh nhân cao huyết áp tin dùng. Rượu gạo chứa các thành phần hoạt chất lovastatin và ergosterol giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện hệ tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ.
Phòng chống ung thư
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này. Họ phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin - một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt... Chất chống oxi hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư.
Kích thích tiêu hóa
Nhiều người thường dùng cơm rượu để chế biến các món khai vị. Đồng thời, cơm rượu còn bổ sung thêm chất xơ và các axit giúp hỗ trợ, ngăn ngừa chứng đầy hơi, khó tiêu từ đó cải thiện hệ tiêu hóa. Rượu nếp cẩm kết hợp với sữa chua cũng là một món ăn tốt cho tiêu hóa và hấp dẫn trẻ. Cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp nên khả năng gây say của cơm rượu gần như không có.
Do đó, những người kém ăn, biếng ăn, tiêu hóa kém có thể sắc cơm rượu hàng ngày hoặc uống cơm rượu trước bữa ăn sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể.
Phòng bệnh thiếu sắt
Lượng sắt trong gạo nếp rất cao. Do vậy, ăn gạo nếp cẩm mỗi ngày sẽ phòng được các bệnh về thiếu sắt.
Làm đẹp da hiệu quả
Rượu nếp chứa nhiều vitamin B, E và các chất dinh dưỡng cần thiết cho da. Những vitamin này giúp chống lại quá trình oxy hóa da, đồng thời giúp nuôi dưỡng da và làm trắng da từ sâu bên trong.
Bạn có thể sử dụng rượu nguyên chất hoặc kết hợp với sữa chua, mật ong hoặc trứng gà như một mặt nạ chăm sóc da hàng tuần, để làn da luôn mềm mại và tràn đầy sự sống..
Lưu ý khi sử dụng rượu nếp
Ăn rượu nếp vào lúc nào là tốt nhất?
Bạn có thể ăn rượu cái vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng tốt nhất là buổi sáng.
Tránh ăn rượu nếp lúc bụng đang đói vì vị chua trong cơm rượu có thể làm tăng tiết axit khiến cho niêm mạch dạ dày bị kích ứng, khó chịu. Để đảm bảo an toàn, bạn nên ăn lót dạ rồi hãy dùng cơm rượu.
Trong quá trình lên men, đường trong cơm nếp sẽ được chuyển hóa thành cồn. Cơm rượu càng ủ lâu thì có nồng độ cồn càng cao. Tuy nhiên, nếu ăn với mức độ vừa phải thì khả năng say rất thấp. Vì vậy, nếu ăn ít và ăn lúc no thì không sợ say cơm rượu.
Những ai không nên ăn rượu nếp?
Theo đông y, cơm rượu nếp có vị cay nên không thích hợp với người thể nhiệt vì sẽ dẫn đến một số dấu hiệu như cơ thể nóng bừng, bốc hỏa, lưỡi đỏ buốt, nước tiểu vàng, da nổi mụn và khó ngủ…
Trẻ nhỏ, người đang gặp các vấn đề về dạ dày, bệnh nhân bị dị ứng, người mắc bệnh chàm... không nên ăn nhiều cơm rượu nếp.