Độc đáo mâm cúng Tết Đoan Ngọ khiến cộng đồng mạng không ngừng xuýt xoa
Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), người Việt thường chuẩn bị mâm cúng dâng lên tổ tiên, thần linh cầu mong mùa màng bội thu, ít sâu bệnh.
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, Tết giết sâu bọ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Trong năm 2023, Tết Đoan Ngọ sẽ đến muộn hơn năm ngoái do là năm nhuận, rơi vào ngày thứ Năm (22/6/2022 Dương lịch).
Đoan là mở đầu, Ngọ là thời điểm từ 11h - 13h trong ngày. Vì vậy, lễ cúng được diễn ra vào giờ chính Ngọ, tức 12h trưa trong ngày 5/5 âm lịch. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường có: hương, hoa, vàng mã, rượu nếp cùng nhiều loại trái cây. Trong đó, tùy theo từng vùng miền, điều kiện của mỗi gia đình mà cỗ cũng sẽ đa dạng và phong phú hơn.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc được bài trí trong những chiếc mẹt, khay với đầy đủ hương, hoa, rượu, xôi, chè, bánh trái,.. Trong đó, loài hoa được chọn để trang trí thường là hoa sen, hoa nhài; trái cây sẽ có mận, vải thiều cùng các loại bánh là bánh tro, bánh ú. Đặc biệt, cơm rượu nếp là món đặc trưng trong dịp này của người miền Bắc, cơm bao gồm cả nếp cẩm và nếp cái hoa vàng.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Trung không có nhiều khác biệt so với miền Bắc, tuy nhiên sẽ có thêm món thịt vịt. Ăn vịt vào dịp này được xem là mát cả năm, món ăn này vừa ngon vừa bổ dưỡng. Cơm rượu ở đây được làm theo phương pháp lên men truyền thống. Ngoài ra, nếu chiêm ngưỡng cỗ của người Huế, bạn sẽ thấy chè kê là món không thể thiếu.
Cỗ Tết Đoan Ngọ ở miền Nam sẽ có thêm món bánh ú bá trạng và chè trôi nước. Bánh ú bá trạng làm từ gạo nếp với nhiều loại nhân và được nấu chín bằng phương pháp hấp. Chè trôi được làm từ bột nếp, sử dụng nhân đậu xanh rồi vo viên to, ăn kèm nước đường hoặc nước cốt dừa.
Ngày Tết Đoan Ngọ năm 2023 đang gần kề, nếu chưa biết chuẩn bị gì, bạn có thể tham khảo thêm các mâm cúng dưới đây!