Thứ tư, 17/04/2024, 15:31 (GMT+7)

Lời giải nào cho bài toán bản quyền trên môi trường số?

Ngoài vai trò “bệ đỡ”, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trên môi trường số.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trên môi trường số.

Hỗn loạn chuyện bản quyền số

Sự thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự tiến bộ về công nghệ kỹ thuật và việc thực thi cam kết nghĩa vụ tại các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

“Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau” - ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết.

z5356542163804_7b940983085023814645c78b1d675301
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

Cũng theo ông Hoàng, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Về thực trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số cho biết, hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường số hiện nay diễn ra vô cùng phức tạp, dưới nhiều hình thức và có sự tham gia của các mạng xã hội xuyên biên giới.

z5356542154688_39dbda007abc3085218c38acbb96e2a6
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số

Theo ông Chung, hiện nay có 8 hình thức đánh cắp bản quyền trên nền tảng số, bao gồm: Chiếm đoạt quyền tác giả; Mạo danh tác giả; Phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo; Phân phối, xuất bản tác phẩm và bản sao tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; Phân phối, xuất bản tác phẩm và bản sao tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; Sao chép tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; Làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; Sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền bản quyền với chủ sở hữu. 

Thực trạng nhức nhối liên quan đến vấn nạn bản quyền số cũng được ông Phạm Thanh Tùng, đại diện Cục Bản quyền tác giả đề cập đến. Đáng chú ý, ông Tùng khẳng định tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam tương đối cao. 

Các giải pháp bảo vệ bản quyền số

Để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đã có nhiều quy định mới về các nội dung liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. 

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số cho rằng cần phải ứng dụng công nghệ, mã hóa nội dung trước khi đưa lên môi trường số để chống vấn nạn đánh cắp bản quyền. Cũng theo ông Chung, hiện nay các doanh nghiệp công nghệ đã có giải pháp đăng ký xác thực bản quyền để chống đánh cắp trên môi trường số. Theo đó, các nội dung sẽ được mã hóa trước khi đưa lên môi trường số, rà quét tự động và sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện nội dung vi phạm bản quyền. 

Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Thanh Tùng, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập. Để chống xâm phạm bản quyền trên không gian mạng cần phải nâng cao trách nhiệm của xã hội và doanh nghiệp, cảnh báo doanh nghiệp không nên mua quảng cáo các trang mạng hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền.

z5356542163507_24778d12a124ec923cad7a2ebb511983
Ông Phạm Thanh Tùng, đại diện Cục Bản quyền tác giả

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội (người sáng tạo, người khai thác, sử dụng và công chúng).

Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đầu tư cơ sở vất chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số;

Cũng theo ông Tùng, các chủ thể quyền cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả...

Sáng 17/4, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm "Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số". Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Chương trình do Cục Bản quyền tác giả chủ trì phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức.

Sự kiện góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục