5 thói quen rửa bát khiến bạn rước bệnh vào người
Rửa bát tưởng là công việc đơn giản, nhưng nếu thực hiện sai cách sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Nếu có những thói quen rửa bát trong bài viết này, bạn nên thay đổi ngay.
Rửa bát là công việc quen thuộc, được người Việt làm hằng ngày. Rửa bát bằng tay còn được chứng minh là đem lại một số lợi ích cho sức khỏe như: giúp thư giãn, khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ít bị dị ứng hơn… Tuy nhiên, rửa bát không đúng cách lại góp phần giúp vi khuẩn xâm nhập cơ thể, tăng khả năng mắc bệnh.
Ngâm bát quá lâu rồi mới rửa
Sau khi ăn xong, nhiều người không rửa bát ngay có thói quen ngâm bát đĩa vào bồn rửa để tới ngày hôm sau mới rửa. Đây được xem là một thói quen vô cùng độc hại mà nhiều người Việt rất hay mắc phải.
Hành động ngâm bát đĩa lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi nhanh chóng và có mùi hôi, đặc biệt là với các dụng cụ làm từ gỗ, khi ngâm nước làm tơi từng thớ gỗ… Nếu khử trùng không triệt để, những vi khuẩn này sẽ vào dạ dày, người có sức đề kháng kém sẽ bị nhiễm trùng đường ruột.
Cho nước rửa chén trực tiếp vào bát
Một số người cho rằng cho trực tiếp nước rửa lên bát sẽ hiệu quả hơn trong việc loại bỏ vết dầu mỡ. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây lãng phí nước rửa mà còn dễ khiến chất tẩy rửa bám chặt và đọng lại trong bát đĩa. Nếu bạn không rửa sạch phần chất tẩy rửa này, khi sử dụng bát đĩa để ăn vào lần sau sẽ ảnh hưởng đến đường ruột, có thể gây tiêu chảy, đau bụng hoặc nặng hơn là ngộ độc.
Thay vào đó, bạn nên hòa xà phòng rửa chén vào nước trước, sau đó khuấy cho loãng và rửa như bình thường. Sau khi rửa sạch bát với nước sạch, bạn nên dùng khăn khô lau qua, phơi ở nơi thoáng mát.
Dùng quá nhiều xà phòng để rửa bát
Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, bạn chỉ nên dùng vừa đủ lượng xà phòng tương ứng với số lượng bát đũa cần phải rửa, nếu lấy nhiều quá sẽ khiến khó cọ sạch hoàn toàn. Chúng sẽ lưu lại và ngấm vào thức ăn mà bạn tiêu thụ.
Theo Nhóm Công tác Môi trường Mỹ, khi chọn xà phòng rửa bát, cần đảm bảo rằng chúng không chứa các chất khử trùng mạnh, chất tẩy trắng, triclosan, hoặc một vài chất bị nghi ngờ là có thể gây ung thư. Hãy lựa chọn nước rửa chén phù hợp và chỉ nên lấy lượng vừa đủ khi sử dụng để bảo vệ sức khỏe.
Chỉ tráng qua 1 lần nước
Nhiều người do thói quen hoặc bận bịu mà mắc phải sai lầm tai hại này vì nghĩ rằng chỉ cần không nhìn thấy bọt là bát đĩa đã sạch. Tuy nhiên, hóa chất trong nước rửa nếu không rửa thật kĩ chắc chắn vẫn còn bám trên bề mặt. Bạn nên tráng đi tráng lại bát đĩa ít nhất 3 lần nước cho sạch. Tráng nước nóng sẽ giúp bát đĩa sạch hơn và loại bỏ được hóa chất nguy hiểm.
Không thường xuyên thay miếng rửa bát
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng số lượng vi khuẩn trong miếng rửa bát rất nhiều. Charles Gerba – nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona, Mỹ cho biết, trung bình sẽ có khoảng 10 triệu vi khuẩn /2.54cm2 trong mỗi miếng rửa bát, nhiều hơn cẩ bồn cầu là khoảng 50 vi khuẩn/ 2.54cm2 mà thôi. Những vi khuẩn này còn phát triển và phân chia mỗi 20 phút, làm miếng rửa bát bẩn gấp 200.000 bồn cầu và gấp 20.000 lần khăn lau bếp. Vi khuẩn trên miếng rửa bát càng nhiều, thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng lớn, thông qua việc dễ dàng lưu lại những loại thức ăn thừa, nhỏ trên những lỗ nhỏ li ti của chiếc mút, điều đó sẽ khiến vi khuẩn có thể sinh sôi phát triển với tốc độ chóng mặt.
Các chuyên gia khuyên bạn nên ngâm miếng rửa bát trong nước nóng sau khi sử dụng và phơi khô. Bạn cũng nên thay miếng mút mới mỗi tháng để đảm bảo vệ sinh.