Thứ hai, 22/05/2023, 08:24 (GMT+7)

Trải nghiệm du lịch sinh thái tại đảo cò Chi Lăng Nam, Hải Dương

Thu Thảo (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Đến với khu du lịch sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam, du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn và đắm mình trong không gian thiên nhiên thoáng đãng, thanh bình.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm

Giới thiệu chung về đảo cò Chi Lăng Nam 

dao-co-tiepthigiadinh-1
Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc

Khu sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam có diện tích 31,673 ha, là “ngôi nhà chung” của nhiều loài cò, vạc, chim nước quý. Hiện nay, ở đảo cò Chi Lăng Nam có khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc sinh sống. Đây là nơi cư trú của 6 loài cò khác nhau như: Cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ghềnh, cò diệc và cò ruồi, trong đó đông nhất là cò ruồi. 

Bên cạnh đó, đảo Cò còn là nơi trú ngụ của loài vạc xám, vạc lưng xanh, vạc sao, cùng nhiều loài chim quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: Diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo... Sự đa dạng phong phú của của các loài chim, cò và thuỷ sản đã tạo ra một hệ sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Chính vì vậy, từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm tham quan, học tập và nghiên cứu thú vị của nhiều trường học trong vùng.

Truyền thuyết về sự ra đời của đảo cò Chi Lăng Nam

Theo tương truyền, vào những năm đầu thế kỷ 15, tại vùng đất này đã có trận đại hồng thủy làm vỡ dải đê lớn ven sông Hồng, nước cứ thế tràn vào những đồng ruộng trũng thấp, nhấn chìm tất cả trong một màu trắng băng.

Tuy nhiên, có một gò đất cao mà nước không thể dâng tới, bên trên có ngôi đền nhỏ. Cứ thế, sau hai trận lũ lớn nữa, xung quanh gò đất bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ và ngôi đền linh thiêng đã biến mất. Cũng từ đó, nước không bao giờ rút đi và tạo thành hồ lớn như ngày nay. Từ đó, bắt đầu xuất hiện từng đàn chim, Cò, Vạc từ khắp nơi tụ về sinh sống, có những loài có nguồn gốc từ Ấn Độ, Nepal, Miến Điện, Trung Quốc… tạo thành một quần thể danh thắng Đảo Cò ngày nay.

dao-co-tiepthigiadinh-2
Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc

Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn và được bảo tồn gần như nguyên vẹn nhất ở miền Bắc. Hiếm có nơi nào cò tập trung với số lượng đông, mật độ dày, phong phú về chủng loại và gần gũi với con người như ở Đảo Cò Chi Lăng Nam. Ngày ngày, khu du lịch sinh thái Đảo Cò đón rất nhiều khách du lịch đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của Đảo Cò giữa hồ An Dương. Đắm mình trong không gian thiên nhiên thoáng đãng, thanh bình, ngắm nhìn cuộc sống của những đàn cò trên các cành cây, con người như sống chậm lại giữa nhịp sống hối hả, nhộn nhịp thường ngày.

Tình trạng bảo tồn hệ sinh thái tại đảo cò Chi Lăng Nam

Tình trạng đặt bẫy, săn bắn và lấy trứng cò của người dân khiến số lượng cò ở trên đảo suy giảm nhanh chóng, nhiều con cò do sợ không dám về đây trú ngụ. Trước thực trạng trên, huyện Thanh Miện đã xây dựng phương án, lập kế hoạch và phối hợp với Ban quản lý Khu di tích đảo Cò và nhân dân cùng chung tay bảo vệ đàn cò. Từ khi cò được bảo vệ và chăm sóc, số lượng cò trên đảo ngày càng đông hơn. Có ngày, số lượng cò vạc đã lên đến 18, 19 nghìn con thường xuyên trú ngụ trên các đảo.

Ban Quản lý Khu di tích đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Chi Lăng Nam thành lập đội tự quản với 56 thành viên. Đội được chia làm 3 tổ tự quản gồm: Tổ tự quản dịch vụ trên bờ, tổ lái đò vận chuyển và tổ bảo vệ xung quanh khu vực đảo cò với bán kính 3 km. Thành viên trong tổ đều là người dân sống xung quanh đảo, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động phá hoại như săn bắt, đánh bẫy cò vạc, lấy trứng cò ở trên đảo cũng như các khu vực xung quanh.

dao-co-tiepthigiadinh-3
Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc

Mỗi người dân trong khu vực bán kính 3 km xung quanh đảo Cò đều có thông tin riêng để kịp thời báo cho Ban Quản lý, công an xã và chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm hại đến cò. Hàng năm, Ban Quản lý không chỉ phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân bảo vệ đàn cò mà còn phối hợp với các nhà khoa học trong, ngoài nước cùng nghiên cứu đặc tính của từng loại cò, vạc để có những điều chỉnh phù hợp tạo môi trường sống thích hợp cho con cò. Đặc tính của cò là kiếm ăn ban ngày, vạc kiếm ăn ban đêm. Do vậy, những công trình xây dựng trên đảo luôn đảm bảo môi trường trong sạch, yên tĩnh và không gian sống cho cò.

Từ những nghiên cứu về đặc tính của cò, vạc, các hạng mục công trình xây dựng trên đảo được điều chỉnh phù hợp với đặc tính sinh sống của từng loài. Hiện nay, đảo cò đã được tôn tạo, nâng cấp và trồng thêm nhiều cây xanh. Đảo cò gồm hai đảo nhỏ có tổng diện tích trên 7.000 m2 nằm trong lòng hồ An Dương thuộc xã Chi Lăng Nam. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy có 52 loài chim thuộc 12 bộ, 30 họ, 42 giống tại đảo và khu vực xung quanh.

Cách di chuyển đến đảo cò Chi Lăng Nam

Hải Dương cách Hà Nội khoảng 60 km. Tới Hải Dương có đa dạng phương tiện di chuyển như xe cá nhân, xe khách, xe limousine, tàu hỏa...

Nhanh nhất là đi xe limousine với thời gian di chuyển nhanh và tiện nghi, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái. Bạn có thể tham khảo xe limousine tại Đi Chung có giá 250.000 đồng một vé, tần suất chạy liên tục, 30 phút có một chuyến. Lựa chọn rẻ hơn là Tuấn Hải limousine, đi xe 16 chỗ, tần suất 4 chuyến một ngày. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn đi xe khách, tham khảo các hãng Phúc Xuyên, Dũng Thủy... giá 60.000-70.000 đồng.

Trải nghiệm thú vị và thong thả hơn là đi tàu hỏa, về các ga Phú Thái, Hải Dương, Cẩm Giàng trên chiều tới Hải Phòng. Tàu hỏa xuất phát từ ga Long Biên, cuối tuần xuất phát từ ga Hà Nội.

Đặc sản của Hải Dương

Bánh đậu xanh

dao-co-tiepthigiadinh-9
Ảnh: sưu tầm

Vùng đất đồng bằng sông Hồng trù phú với những sản vật thiên nhiên đã tạo nên loại bánh đậu xanh Hải Dương quyến rũ đến lạ kỳ. Bánh đậu xanh không chỉ được tạo ra bởi những nguyên liệu hảo hạng nhất mà nó còn phải là kết tinh từ bàn tay khéo léo. Thưởng thức bánh đậu xanh ngon nhất là cùng với chén nước chè Thái Nguyên. Vị ngọt béo của bánh với vị chát, ngăn ngắt đắng của trà làm tôn lên vị ngon của bánh đậu xanh. Nhấm một miếng bánh và chiêu ngụm trà, sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh và hương thơm nhẹ nhàng của bánh lan toả. 

Chả rươi

dao-co-tiepthigiadinh-5
Ảnh: sưu tầm

Rươi là vật thân mềm sống ở vùng nước lợ, nước ngọt, nơi có thủy triều lên xuống. Vì vậy rươi có thể xuất hiện ở nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Nhưng rươi ngon và nổi tiếng nhất là rươi Tứ Kỳ (Hải Dương). Mùa rươi nổi lên mặt nước là vào khoảng cuối thu, đầu đông, bởi vậy dân gian ta có câu ca dao để nói về thời điểm rươi xuất hiện trong năm như “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm”.

Rươi được coi là “lộc trời cho” chỉ có tại một số tháng trong năm, chính tính thời vụ như vậy nên khiến cho con vật thân mềm này có giá cao ngất ngưởng từ 500.000 - 600.000 đồng/kg. Với giá cả đắt đỏ như vậy nhưng ở Hải Dương rươi là một món ăn rất phổ biến.

Ở các cửa bình dân thì giá chả rươi khá rẻ, chỉ rơi khoảng 80.000 - 200.000 đồng/bánh tùy theo kích thước mà mọi người yêu cầu. Có thể ngồi thưởng thức ngay tại quầy bán để tận hưởng vị rươi rõ nhất khi nó còn nóng. 

Bánh gai

dao-co-tiepthigiadinh-7
Ảnh: sưu tầm

Bánh có màu đen đặc trưng và được gói bằng lá chuối tươi, hai vợ chồng bèn lấy tên là bánh gai vì được làm từ lá của loại cây có nhiều hình gai. Về sau, con cháu của họ cải tiến bánh, cho thêm nhân đậu xanh, dừa tươi, thịt mỡ và gói bằng lá chuối khô thành bánh gai như bây giờ.

Khi đó, cây gai mọc rất nhiều ở Ninh Giang, về sau một số nơi lân cận đến lấy lá về làm bánh và trồng mới nhưng hương vị không được thơm ngon như ở Ninh Giang. 

Trải qua bao thế hệ, bánh gai Ninh Giang dần hình thành những công thức cứng cộng với tay nghề tài hoa của người thợ làm bánh, sự gắn kết đó đã khẳng định được thương hiệu bánh gai Ninh Giang trứ danh.

Gạo nếp cái hoa vàng ở Kinh Môn, mật ong ở Thanh Hà, đậu xanh ở thành phố Hải Dương… là những gì tinh túy nhất hợp với lá gai Ninh Giang để làm nên bánh. Thậm chí, lá gai phải chọn lá to, non không dùng lá nhỏ có lẫn hoa, lá phải đem phơi vài lần sau đó nghiền thật nhuyễn, mịn mới có thể dùng làm nguyên liệu. 

Phần nhân bánh hiện nay có thêm mỡ lợn, tuy vậy mỡ lợn phải được làm nhuyễn, không ngấy và trộn với đường để làm sao cho người ăn không cảm nhận được độ mỡ nhưng vẫn thấy bùi bùi và mềm bánh.

Vải thiều Thanh Hà

dao-co-tiepthigiadinh-6
Ảnh: sưu tầm

Vải thiều Thanh Hà là đặc sản nổi tiếng của tỉnhHải Dương; do cụ Hoàng Phúc Thành (Hoàng Văn Cơm) đem về trồng tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà từ cách đây gần 200 năm. Đến nay, cây vải này vẫn còn ra quả và được nhân dân Thanh Hà gọi là cây vải Tổ.

Do có sự thích hợp về điều kiện tự nhiên, vải thiều trồng tại Thanh Hà cho chất lượng đặc biệt ngon, quả nhỏ hình cầu tròn đặc trưng, vỏ màu hồng tươi, cùi giòn màu trắng trong, hạt nhỏ, ngọt dịu và có hương vị thơm nhẹ. Vải thiều gắn với nguồn gốc Thanh Hà” Vải thiều Thanh Hà”.

Bún cá rô đồng 

dao-co-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Cá rô đồng thịt chắc, mềm và vị ngọt vừa vặn. Cá sau khi sơ chế, đem luộc rồi mới ướp gia vị, bột nghệ và xào cùng hành tỏi. Một số nơi, phần thịt cá này còn được rán để không bị nát khi ăn cùng bún.

Nước dùng cũng là phần quan trọng, được tận dụng từ nước luộc cá có thả thêm cà chua, dứa... Một bát bún cá rô đồng thường ăn kèm rau muống hoặc cần, ngót... và một số rau gia vị khác như xà lách, hoa chuối.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục