Thứ bảy, 03/02/2024, 05:57 (GMT+7)

6 phiên chợ Tết không nên bỏ lỡ

Vi Thùy Chi (Theo Tiếp thị & Gia đình))

Những phiên chợ Tết trong văn hóa từ bản làng đến phố thị chưa bao giờ cũ mà ngược lại, nó luôn thanh tân, quyến rũ và đầy gợi nhớ. Dưới đây là 6 phiên chợ đậm vị Tết xưa mà bạn không nên bỏ lỡ.

Chợ Bắc Hà, Lào Cai

Từ bao đời nay, chợ phiên Bắc Hà không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ về văn hóa giữa các dân tộc ở Lào Cai và các tỉnh lân cận. Phiên chợ đặc biệt này diễn ra một lần vào chủ nhật hàng tuần.

1. chợ bắc hà

Năm nay, phiên chợ cuối cùng của năm sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng Chạp. Đây cũng là phiên chợ Tết của người dân địa phương.

Vào ngày này, người dân sẽ mang đến chợ những đặc sản của nhà để làm phong phú thêm cho phiên chợ cuối năm. Vì thế, chợ gần như không thiếu thứ gì. Các mặt hàng quần áo, trang sức đến các loại gia súc, lương thực… được chia thành những khu vực riêng để người dân và du khách dễ dàng lựa chọn món hàng mình muốn. Dịp cuối năm cũng là cơ hội người dân tụ họp ở chợ để nói chuyện năm cũ, năm mới.

1.. Bắc Hà

Với hình thức mua bán, trao đổi đặc trưng, chợ Bắc Hà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được màu sắc độc đáo của những phiên chợ Tết vùng cao. Nét độc đáo nơi chợ phiên Bắc Hà đã tạo nên sức hút, hấp dẫn nhiều du khách lui tới mỗi dịp cuối năm.

Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội

Chợ hoa Tết Hàng Lược là phiên chợ Tết đặc biệt của người dân Hà Nội, chỉ mở duy nhất một lần trong năm, từ rằm tháng Chạp và vãn dần từ chiều 30 Tết.

2. Hàng Lược

Là chợ hoa lâu đời và đặc trưng của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến Xuân về, nơi đây là điểm tập kết của đa dạng loại hoa, từ hoa đào, hoa cúc, hoa hồng, thược dược… đến các loại hoa lụa, cây cảnh bonsai và hoa nhập ngoại.

Phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, chợ hoa Hàng Lược còn buôn bán các mặt hàng trang trí Tết như câu đối, đèn lồng, đồ cúng lễ, đồ phong thủy, đặc biệt là đồ cổ, giả cổ.

2. Hàng lượcc

Với người Hà Nội, đi chợ hoa Hàng Lược không đơn thuần là để sắm Tết mà còn là cách để cảm nhận trọn vẹn “mùi Tết” đang giao thoa trong dòng chảy văn hóa truyền thống và đương đại. Đó cũng là cách để sống lại những ký ức đẹp đẽ về một thời xa xưa, khi còn líu xíu theo mẹ ngắm nhìn những bó hoa gói trong chiếc lá dong thẫm màu lục bảo đơn sơ; nhớ một thời theo ông, theo bố chọn từng cành đào, chậu quất… Chợ Hàng Lược vì thế mà trở nên đặc biệt mỗi dịp cuối năm.

Chợ Đông Ba, Huế

Chợ Đông Ba là một biểu tượng trong văn hóa Cố đô Huế, tồn tại từ năm 1899 và vẫn tiếp đón người mua - người bán quanh năm.

6. Đông Ba, Huế

Khác với ngày thường, chợ Đông Ba những ngày giáp Tết rôm rả hơn hẳn, rõ nhất là từ độ 23 tháng Chạp trở đi. Thời điểm này, ê hề những nem, chả, thịt, cá, hàng mã, hoa quả, bánh kẹo, mứt tết, quà biếu… được các o, các mệ bày bán quanh chợ.

6 chợ đông ba huế

Đặc biệt, sự xuất hiện của những vật phẩm ngày Tết như tranh thờ làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, bánh tét làng Chuồn càng khiến bức tranh chợ xuân ở Đông Ba trở nên đặc biệt.Đông Ba ngày Tết không chỉ là một điểm đến mua sắm dịp Tết mà với người Huế mà còn là hiện thân của một phần trong văn hóa. Vì thế mà họ thường bảo nhau rằng, vào chợ Đông Ba sắm Tết hay chỉ dạo quanh chợ cũng đủ thấy một phần văn hóa đón Tết của con người nơi đây.

Chợ Ông Tạ, TP. Hồ Chí Minh

Cứ mỗi độ trung tuần tháng Chạp, chợ lá dong Ông Tạ (ngã ba giữa đường Cách Mạng tháng Tám và Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) lại tấp nập kẻ mua, người bán. Khu chợ đặc biệt này mỗi năm chỉ họp một lần, từ 20 đến 28 tháng Chạp.

3 chợ ông tạ

Chợ lá dong này đã tồn tại hơn nửa thế kỷ ở đất Sài Thành. Đây là nơi hiếm hoi để người dân tìm về và lưu giữ phong vị Tết xưa với tục gói bánh chưng, bánh tét.

Vào những ngày giáp Tết, khu chợ khoác lên mình tấm áo xanh mướt được tạo nên bởi vô số sạp lá dong. Ngoài ra, người dân cũng có thể tìm mua các vật dụng để gói bánh, từ khuôn gỗ, dây lạt đến đủ nguyên liệu làm bánh.

3. Chợ ông Tạ

Dưới bức tranh xuân, những ki-ốt đơn điệu thường ngày nay cũng đầy ắp những món hàng Tết với đủ loại kẹo mứt, giò chả… Đâu đâu quanh chợ đều đầy ắp sắc màu của hương vị ngày Tết. Đây cũng là lý do để chợ Ông Tạ trở thành phiên chợ không thể bỏ lỡ của người dân mỗi dịp cuối năm.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Từ giữa tháng Chạp, chợ nổi Cái Răng đã trở nên tấp nập. Hàng trăm ghe thuyền từ Cần Thơ và các tỉnh lân cận đổ về đây mang theo lượng lớn các mặt hàng phục vụ Tết.

Đến đây, người dân dễ dàng tìm mua đa dạng các loại bánh mứt, dưa cà và ti tỉ món đồ. Đặc biệt, sắc màu sặc sỡ của những chậu mai vàng, cúc trắng, vạn thọ…  đã góp phần tạo nên sức hút đặc biệt cho phiên chợ nổi cuối năm.

4..cái răng

Dịp này, chợ họp sớm hơn. Từ 3h sáng, chợ đã bắt đầu có tiếng buôn, tiếng trò chuyện của thương lái. Trên bến dưới thuyền, kẻ khuân người vác í ới gọi nhau tạo nên bức tranh xuân rộn ràng. Đây cũng là một “gia vị” không thể thiếu trong những ngày giáp Tết của người dân địa phương.

Chợ hoa Tết Trà Vinh

Vào những ngày giáp Tết, người dân Trà Vinh và các tỉnh lân cận lại đổ về chợ hoa, chọn cho mình những chậu bông ưng ý nhất để mang về chưng trong những ngày Tết. Một không khí rộn rã, tất bật, vui tươi mà chỉ chợ hoa Trà Vinh mới có. Đó cũng là nét văn hóa chợ Tết đặc trưng của người dân nơi đây.

Mỗi năm một lần, chợ hoa Tết Trà Vinh bắt đầu mở bán từ 23 tháng Chạp. Những ngày này, hàng nghìn chậu bông theo chân tiểu thương từ các làng nghề đổ về.

5. Chợ hoa Trà Vinh

Đến chợ hoa, người dân có thể tìm mua đủ các loại hoa như cúc vạn thọ, cúc mâm xôi, cát tường, thược dược tím, hoa chuông… Với lượng lớn hoa đổ về, những đoạn đường giáp ranh như Điện Biên Phủ, Phạm Thái Bường cũng trở nên lộng lẫy và quyến rũ bởi sắc xuân của hoa Tết.

Thong dong dạo chợ, sắm Tết ở chợ hoa Trà Vinh, người dân và du khách còn có thể tận hưởng không khí Tết mang nét đặc trưng riêng biệt giữa chốn phố thị mà không nơi nào có được.

Cùng chuyên mục