Cập nhật giá vé và kinh nghiệm du lịch Tây Yên Tử mới nhất
Tây Yên Tử là điểm đến hành hương tham quan, chiêm bái của du khách mỗi độ tết đến xuân về. Đây còn là địa danh có cảnh quan tuyệt đẹp được đông đảo giới trẻ yêu thích, tìm đến tham quan và khám phá.
Khu du lịch Tây Yên Tử ở đâu?
Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử nằm ở thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang nơi quanh năm không khí dịu mát, với những cánh rừng trùng điệp.
Đến đây, du khách có dịp tìm hiểu về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gắn với cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được hình thành từ giữa thế kỷ XIII, vị thiền sư có công đặt nền móng cho sự hình thành Thiền phái này là Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, thuộc dòng tôn thất nhà Trần.
Đến Tây Yên Tử, du khách sẽ được hòa mình vào mây núi, những cánh rừng nguyên sinh, cảm nhận được sự yên bình, trong lành cùng sự hùng vĩ, bề thế, uy nghi của cảnh quan và các công trình, kiến trúc.
Sự tích về Tây Yên Tử
Truyền thuyết ở Tây Yên Tử nổi bật là mảng truyện kể phản ánh tín ngưỡng, tôn giáo thấm vào tận cùng máu thịt mỗi người từ thuở ấu thơ.
Mảng truyện kể dân gian này đưa ru tâm hồn con người muôn đời bằng giá trị đặc sắc và phương thức lưu truyền độc đáo của nó. Truyện kể dân gian phản ánh tín ngưỡng, tôn giáo vùng văn hóa tâm linh Tây Yên Tử không chỉ tồn tại trong tâm thức dân gian mà còn tồn tại trong mối quan hệ sinh tử với những giá trị vật thể hữu hình - nơi các di tích lịch sử và danh thắng trên khắp các bản làng, các làng quê từ miền núi cao Sơn Động, Lục Ngạn đến vùng đồi thấp Lục Nam, Yên Dũng.
Vùng đất này mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian như tín ngưỡng thờ nhân thần, tín ngưỡng thờ nhiên thần. Các nhân vật này có nguồn gốc từ những đấng sáng tạo thế giới bằng sức mạnh phi thường trong thần thoại nhưng càng về sau càng gần gũi với con người bình thường và được truyền thuyết hóa một cách mạnh mẽ. Nó cũng thể hiện xu hướng biến đổi nhân vật từ thiên thần sang nhân thần, từ thần thoại sang truyền thuyết.
Kinh nghiệm du lịch Tây Yên Tử
Hướng dẫn đường đi đến Tây Yên Tử
Nằm cách Hà Nội chừng 124km, cách thành phố Bắc Giang 67km nên đường đi đến Tây Yên Tử cũng khá đơn giản và thuận tiện.
Nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô tự lái, bạn đi theo hướng sau:
- Từ Hà Nội đi Tây Yên Tử di chuyển qua Cầu Nhật Tân - Quốc lộ 18 (Bắc Ninh) rẽ vào cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tới Big C Bắc Giang thì di chuyển tới “con đường tâm linh” tỉnh lộ 293 trải từ TP Bắc Giang đi thẳng lên Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động).
- Cũng từ Hà Nội, du khách có thể di chuyển qua cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nối vào cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, tới TP Bắc Giang (Big C Bắc Giang) và tới tỉnh lộ 293 và di chuyển tới huyện Sơn Động.
Ngoài ra, bạn có thể bắt xe khách từ Hà Nội về bến xe Bắc Giang bắt xe 07 đi 70km là tới thẳng cổng chùa. Giá vé xe bus là 55.000 đồng/ người, xe bus chuyến sớm nhất khởi hành lúc 5 giờ sáng, chuyến tiếp theo vào 7h30 và sau đó mỗi chuyến cách nhau 40 phút, chuyến cuối lúc 19 giờ.
Giá vé tham quan Tây Yên Tử
Dưới đây là giá vé cáp treo và giá vé tham quan Tây Yên Tử đang được áp dụng:
- Giá vé cáp treo khứ hồi: 260.000đ/vé/khứ hồi
- Giá vé cáp treo 1 chiều: 140.000đ/vé/một chiều.
- Giá vé tham quan: 20.000đ/vé người lớn - 10.000đ/vé trẻ em dưới 16 tuổi, trẻ em dưới 1.2m miễn phí vé.
- Xe điện tham quan Chùa Hạ: 20.000đ/người/khứ hồi.
Giờ mở cửa cáp treo Tây Yên Tử từ 07:00 - 17:00 hàng ngày, lịch hoạt động tất cả các ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết.
Nên đi Tây Yên Tử vào thời gian nào?
Mùa xuân hoặc mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng nhất để đến du lịch Tây Yên Tử. Vào mùa xuân, tại Tây Yên Tử có rất nhiều những lễ hội với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn. Còn vào mùa hè thì tại đây sẽ diễn ra nhiều chương trình tham quan du lịch. Mặc dù là mùa hè nhưng, trên đỉnh Yên Tử lúc nào không khí cũng thoáng mát, dễ chịu.
Những trải nghiệm thú vị tại Tây Yên Tử
Viếng thăm các ngôi chùa lớn
Cổng Tam Quan
Đến với Tây Yên Tử, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi Cổng Tam Quan đầy uy nghi, được xây dựng phỏng theo vọng cảnh của vua chúa xưa, bạn lên tầng hai của cổng Tam Quan nhìn xuống công trình nghệ thuật phía dưới sẽ nhận ra được đây là mô phỏng la bàn ngũ hành với 5 yếu tố tạo nên vũ trụ: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ . Đặc biệt, tại đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng 10 bức tranh đá khổng lồ phác họa lại 10 giai đoạn cuộc đời của phật hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa Hạ
Chùa Hạ hay còn có tên là chùa Phật Quang. Điểm nổi bật nhất tại chùa Hạ là cây cầu được làm bằng đá nối giữa con đường hành hương với ngôi chùa, vắt mình trên triền núi cao từ xa ta cảm thấy đây như một “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ” đầy hấp dẫn và đây cũng là địa chỉ check in rất “hot” của các bạn trẻ.
Chùa Thượng
Đến với chùa Thượng bạn sẽ cảm nhận sự êm ái, đẹp ảo diệu mơ hồ như đưa ta một giấc ảo mộng về một thế giới thoát tục, không còn âu lo muộn phiền, chỉ còn một tâm trí hướng thiện yên lành mà bình dị.
Săn mây chùa Thượng tại Tây Yên Tử
Điểm nổi bật của chùa Thượng là tầm nhìn xa mang lại cảm giác bay giữa ngàn mây. Thậm chí ngay cả đường đi tới chùa Thượng cũng bao phủ bởi mây trắng và hai hàng cây xanh mướt mắt. Tuy nhiên, đường càng lên cao càng trơn trượt, nên khi đi bạn phải chú ý an toàn, quần áo bảo hộ tốt nhé. Nếu may mắn bạn sẽ được chứng kiến biển mây tại đây đó nha.
Ngồi cáp treo vãn cảnh Tây Yên Tử
Đến đây, bạn không nên bỏ lỡ việc ngắm nhìn Tây Yên Tử từ trên cao với cáp treo. Đây là một trải nghiệm rất thú vị giúp bạn có thể tận hưởng được hết vẻ đẹp của núi non mây trời như đang giao thoa làm một.
Chụp ảnh ở Cổng Trời
Tại đây bạn có thể check in cùng những đám mây trôi lững lờ vờn quanh những rặng núi non hùng vĩ tựa như một bức tranh thủy mặc đong đầy tính nghệ thuật.
Tìm hiểu về Thiền phải Trúc Lâm Yên Tử
Cũng như các triều đại phong kiến trong lịch sử, đối với Nhà Trần, trong buổi đầu mới thành lập, việc xây dựng một nền văn hóa trong đó có tôn giáo mang bản sắc riêng, thoát khỏi sự lệ thuộc về ý thức hệ với nước ngoài, làm công cụ thống nhất quyền lực và duy trì trật tự xã hội đã đặt ra vô cùng cấp bách. Với mục đích đó, về mặt tôn giáo, nhà Trần đã lựa chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng thay đổi nội dung của các Thiền phái trước đây để đáp ứng các yêu cầu của đất nước. Khác với các thiền phái khác, Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt mang đậm tinh thần nhập thế, muốn tìm con đường giác ngộ không phải từ bỏ thế gian này mới giác ngộ được.
Đến với Tây Yên Tử, bạn sẽ được hiểu thêm về thiền phái này.
Tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử rộng hơn 13 ha, bao gồm rừng và đất đặc dụng. Tại đây có 5 kiểu thảm thực vật chính: tràng cỏ và cây bụi; cây gỗ nhỏ và tre nứa; rừng kín thường xanh; cây lá rộng xen cây lá kim; rừng cây gỗ lá rộng.
Đây cũng là ngôi nhà chung của nhiều loại động vật lớp thú, bò sát, ếch nhái… Nếu bạn là một người yêu thiên nhiên và thích khám phá thế giới động vật hẳn sẽ không thể bỏ qua cơ hội tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử.
Đến Tây Yên Tử ăn gì?
Măng trúc
Đến với Tây Yên Tử, chúng ta không nên bỏ qua măng trúc-một sản vật tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng cho Yên Tử. Măng có thân hình khá nhỏ gọn, thanh mảnh hơn so với các loại măng khác, có lẽ do đặc điểm sinh trưởng trên núi cao, khí hậu se lạnh bao phủ, thân măng gần như gần hơn nhưng vẫn nhọn hoắt đâm thằng lên bầu trời Yên Tử.
Mật ong rừng
Ưu điểm của mật ong rừng là nguyên chất, được tạo ra từ hoa rừng, không bị pha tạp. Có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, có tác dụng tốt đối với các chứng bệnh: Hô hấp, viêm họng, lở miệng, tuần hoàn, tiêu hóa, không gây béo phì, kích thích tiêu hóa, chống lão hóa, đẹp da…
Ốc rừng (ốc núi)
Hiện nay, ốc núi đã trở thành món ăn hấp dẫn du khách khi đến vãn cảnh vùng cao Sơn Động. Ốc được chế biến thành các món như hấp, nộm, luộc, chiên, nướng, xào măng, nấu chuối đậu… tùy theo nhu cầu của khách. Ốc núi rất giòn, béo, khách được thưởng thức món ốc này một lần sẽ nhớ mãi vị thơm ngon khó tả, mang hương vị rất riêng của núi rừng Yên Tử.
Nấm lim xanh
Yên Tử là vùng núi cao, thổ nhưỡng tốt, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, là môi trường lý tưởng cho nhiều loại thảo dược sinh trưởng và phát triển. Nấm lim xanh là một trong 4 loại dược liệu quý hiếm nơi đây. Nấm lim xanh thường được tìm thấy ở những cánh rừng già ở phía Tây Yên Tử.
Những lưu ý khi du lịch Tây Yên Tử
Để có một chuyến đi trọn vẹn, các bạn cũng cần lưu ý những điều sau:
- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cá nhân cần thiết
- Vì không gian chủ yếu là chùa, các bạn nên chuẩn bị những trang phục kín đáo lịch sự.
- Tuyệt đối không nên đi một mình vì tại Tây Yên Tử có khá nhiều những khu rừng rậm, những đường mòn hiểm trở, vách núi treo leo.
- Bạn nên chuẩn bị một số áo khoác mỏng nếu ở qua đêm vì thời tiết ở Tây Yên Tử về đêm có thể sẽ chênh lệch nhiệt độ.
- Vào những ngày đầu xuân, du khách khắp nơi đổ về trẩy hội và tham quan. Sẽ khó tránh khỏi việc kẻ gian trà trộn lợi dụng móc túi và tài sản của bạn. Hãy đề cao cảnh giác và nhắc nhở bạn bè của mình cùng chú ý.
- Đường đi đòi hỏi bạn phải leo trèo khá nhiều do đó hãy mang theo những đôi giày thể thao nhẹ và thoải mái nhất để thuận lợi cho việc leo trèo và di chuyển tại đây.
- Ngoài những vật dụng trên thì bạn cũng đừng quên mang theo một số loại thuốc men cần thiết như thuốc đau bụng, đau đầu, cảm cúm để đề phòng những trường hợp không may có thể xảy ra.
- Bạn cũng có thể mang theo một chút đồ ăn nhanh để có thể ăn dọc đường.
Bài viết này thuộc series Du lịch
- Thung lũng Bản Xôi: Tất tần tật kinh nghiệm cho một chuyến du lịch trọn vẹn
- Du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn Đà Lạt - Trải nghiệm độc đáo tại thành phố sương mù huyền ảo
- Điểm du lịch độc đáo: TOP 10 quốc gia nhỏ nhất trên thế giới