Thứ sáu, 27/09/2024, 10:00 (GMT+7)

Thẩm mỹ Kang Clinic quảng cáo những dịch vụ khám chữa bệnh nào không phép?

Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thẩm mỹ Kang Clinic (địa chỉ tại số 30 Phan Bội Châu, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa). Lý do xử phạt là do cơ sở này đã quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề.

Theo Cổng thông tin Sở Y tế Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Hồng Duyên - người đại diện pháp luật của Thẩm mỹ Kang Clinic, đã vi phạm quy định về quảng cáo dịch vụ y tế mà không có giấy phép hợp lệ. Hành vi này vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 56 và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Công ty TNHH Thẩm mỹ Kang Clinic bị phạt số tiền 70 triệu đồng và bị buộc phải gỡ bỏ các nội dung quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh trên các trang fanpage và các phương tiện truyền thông khác.

Thẩm mỹ Kang Clinic có thời hạn 10 ngày để nộp phạt sau khi nhận được quyết định và có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính nếu không đồng tình với quyết định này.

tham-my-clich-9764

Khoản 1 điều 9 Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau: "Nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh".

Căn cứ khoản 3 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, căn cứ khoản 5 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo.

Đối với hành vi bán các sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân, đây là hành vi vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm a khoản 6 điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, căn cứ khoản 6 điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP tùy theo giá trị hàng hóa mà hành vi mua, bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng.

Căn cứ khoản 9 điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người thực hiện hành vi bán thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành còn buộc phải tiêu hủy toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, trong trường hợp có căn cứ xác định số thuốc không rõ nguồn gốc là thuốc giả thì căn cứ điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. 

Tùy thuộc vào mức độ và tính chất mà mức phạt tù có thể từ 2 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cùng chuyên mục