Thứ hai, 31/07/2023, 13:41 (GMT+7)

Miếng dán hoạt hình: Từ thứ đồ chơi yêu thích đến hiểm họa vô sinh, ung thư

Hồng Nhung (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Dù đã được Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu (EU) - RAPEX đưa vào danh sách những món đồ chơi nguy hiểm, nhưng thứ đồ chơi này vẫn được bán ở thị trường Việt Nam một cách công khai và dường như, chưa có cơ quan chức năng nào để ý.

“Hoa mắt” trước sự bày bán tràn lan trên thị trường

Dạo một vòng trên các tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Mã đến các điểm bán văn phòng phẩm, tạp hóa gần các trường học, không khó để bắt gặp những hình miếng dán sticker hoạt hình dễ thương với nhiều mẫu mã, kiểu dáng độc đáo được bày bán một cách công khai.

Mieng-dan
Hàng trăm loại miếng dán bày bán công khai

Khi được ngỏ ý về việc mua số lượng lớn sản phẩm miếng dán hoạt hình, chị H. - một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã đã đưa ra giá chào hàng cực kỳ hấp dẫn với giá giao động từ 8.000 đồng đến 17.000 đồng, rẻ hơn gấp nhiều lần so với giá bán lẻ. Đáng chú ý, người bán còn bày ra một số sản phẩm theo lời người này là “rẻ như cho” với giá giao động từ 2.000 đồng đến 8.000 đồng.

Chủ cửa hàng này không ngần ngại chia sẻ: “Đây là sản phẩm được nhập từ Trung Quốc. Vì nhập với số lượng lớn nên giá thành tương đối mềm hơn so với hàng gia công Việt Nam, mẫu mã, kiểu dáng cũng đa dạng hơn nhiều”. Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng sản phẩm, người này lại tỏ ra khá thờ ơ và có thái độ tránh né sang câu chuyện “có cầu ắt có cung”.

tem mác
Các sản phẩm miếng dán hoạt hình này là đều được gắn mác “made in China”

Trong khi đó, tại các điểm trường, theo ghi nhận của phóng viên, giá bán lẻ của những miếng dán hoạt hình giao động từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng tùy vào kích thước, mẫu mã, thậm chí là độ “hot” của các hình thù được thiết kế trên miếng dán. Đơn cử như miếng dán được người bán gọi với cái tên rất nịnh tai “miếng dán lotso màu hồng dễ thương” có giá 26.000 đồng. Trong khi đó, nhiều sản phẩm tương tự về kích thước lại được bán rẻ hơn khoảng 10.000 đồng. “Đây là sản phẩm mới nên có giá nhỉnh hơn so với các sản phẩm đã xuất hiện lâu trên thị trường”, chị Q. - chủ cửa hàng trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Điểm chung của các sản phẩm miếng dán hoạt hình này là đều được ghi nơi sản xuất là “made in China” và hầu hết chỉ toàn chữ Trung Quốc.

cap
Những miếng dán được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử

Không chỉ được bày bán tràn lan trên thị trường truyền thống, các sản phẩm miếng dán hoạt hình tương tự cũng được rao bán một cách công khai trên các sàn thương mại điện tử với mức giá khá mềm. Nhiều sản phẩm có lượt mua đạt khủng. 

Từ thứ đồ chơi yêu thích…

Những miếng dán hoạt hình nhiều màu sắc là thứ đồ chơi yêu thích của nhiều trẻ nhỏ. Hầu hết, những miếng dán này được các em dùng như những vật trang trí, dán vào sách, vở, hộp bút, tủ quần áo…

Không khó để bắt gặp những vị khách “nhí” tại các điểm bán miếng dán hoạt hình nói trên. Thoạt đầu là sự tò mò, tiếp đến là mong muốn sở hữu và cuối cùng là niềm tự hào về một “gia tài”. 

Giúp mẹ trông em, phần thưởng của Khánh Hà (8 tuổi) là được lựa chọn cho mình một món đồ chơi yêu thích. Cầm tờ 50.000 đồng trong tay, Khánh Hà dẫn theo em gái đến một cửa hàng văn phòng phẩm gần nhà. Đập vào mắt hai chị em là những hình thù đáng yêu của những miếng dán hoạt hình mà với hai chị em, ấy là cả “một thế giới chỉ có ở trong hoạt hình” từ những nàng công chúa xinh đẹp đến những hình vẽ chibi với đủ kiểu dáng.

Khi được hỏi về món đồ chơi yêu thích, Khánh Hà kể với niềm tự hào: “Em có một cuốn nhật ký dán toàn những miếng dán hoạt hình. Những miếng dán này là em được mẹ cho tiền mua, có cả mấy bạn ở lớp tặng. Mấy bạn ở lớp em ai cũng có nhật ký sưu tầm sticker giống em”.

Khánh Hà
Hai chị em Khánh Hà say mê lựa chọn thứ đồ chơi "xé dán" tại một điểm bán trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy)

Khác với chị em Khánh Hà, Gia Huy được bố và bà dẫn đi mua miếng dán hoạt hình. Được biết, dù mới 4 tuổi nhưng “vị khách nhí” đã trở nên quen mặt khi thường xuyên được phụ huynh dẫn tới mua đồ chơi tại cửa hàng. “Cháu thường mua về xé dán ở quanh nhà, ở tường, bàn ghế, tủ quần áo hoặc những nơi cháu thích” - bà Gia Huy nói.

Gia Huy
Thứ đồ chơi xé dán này không chỉ hấp dẫn đối với bé gái mà đối với nhiều bé trai như Gia Huy, đây cũng là món đồ chơi yêu thích

Với nhiều mẫu mã, màu sắc và sự đa dạng, không riêng trẻ em, nhiều bậc phụ huynh cũng bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài bắt mắt của những món đồ này. Theo đó, thứ đồ chơi xé dán này cũng được nhiều người lựa chọn để trang trí các vật dụng hàng ngày nhằm tăng sức thẩm mỹ cho những vật dụng cá nhân.

Chia sẻ với phóng viên, chị Thủy (25 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Đây là thứ đồ gắn với tuổi thơ của mình. Nay đã lớn nhưng mình vẫn dễ bị thu hút bởi những hình thù đáng yêu ở những miếng dán hoạt hình này. Mình thường mua về để trang trí lên các vật dụng cá nhân như laptop, tủ lạnh, tủ quần áo… để tăng tính thẩm mỹ cho những món đồ này"...

Không hề có sự đề phòng vào nới thứ đồ chơi xé dán này. Phải chăng, sự “dễ thương” đã khiến người dùng “dễ dãi” để rồi từ món đồ chơi yêu thích...

Đến hiểm họa khó lường  

Ít ai biết, thứ đồ chơi tưởng chừng như vô hại này lại tiềm ẩn những hiểm họa khó lường đối với sức khỏe của trẻ. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo và đưa loại đồ chơi này vào danh sách những món cực kỳ nguy hiểm bởi chúng chứa những chất độc hại, đặc biệt là DEHP, DINP với nồng độ vượt mức cho phép. Những chất này có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ bằng cách tiếp xúc qua da, qua đường miệng và cả đường hô hấp. 

Chất này có nhiều khả năng là tác nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ em nữ. Còn với các trẻ em nam thì sự hiện diện của chất này làm giảm sự bài tiết hóc môn tăng trưởng, có thể gây ra vô sinh về sau. Ngoài những tác nhân trên, các chất độc hại này còn có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan khác như gan và thận...

maxresdefault
Nhiều quốc gia sau khi nhận được cảnh báo của EU về hiểm họa tiềm ẩn sau những miếng sticker, các mặt hàng này đã được cấm lưu hành trên thị trường

Không chỉ xuất hiện ở thị trường Việt Nam, thứ đồ chơi xé dán này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sau khi nhận được cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm này đã bị thu hồi hoàn toàn khỏi thị trường Na Uy vì chứa những chất gây tổn hại đến cơ quan sinh sản, thậm chí có thể gây ung thư. Đặc biệt là hàm lượng DEHP, DINP trong các miếng dán (sticker) có nồng độ vượt mức cho phép. Ở Mỹ, Hội Y tế công cộng quốc gia này cũng đã cảnh báo miếng dán chứa lượng PVC lớn và kêu gọi hành động để loại bỏ miếng dán hoạt hình khỏi nhà ở, trường học, bệnh viện và các trung tâm trông trẻ.

Thế nhưng, ở Việt Nam, thị trường tiêu thụ các sản phẩm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sự xuất hiện tràn lan của thứ đồ chơi độc hại ẩn sau vẻ ngoài đáng yêu đầy cám dỗ đối với trẻ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối đối với những bậc làm cha mẹ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. 

(Còn nữa)

Cùng chuyên mục