Bị ong đốt thì phải làm ngay những điều này
Khi bị ong đốt, ngoài việc phải sơ cứu kịp thời, bạn cũng cần biết những mẹo sau để có thể khắc phục tình trạng sưng ngứa do ong đốt gây ra. Hãy cùng Tiếp thị và gia đình đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Bị ong đốt có nguy hiểm không?
Thông thường, ong đốt không gây nguy hiểm, nhưng nếu vết đốt nhiều hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nước ta có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi. Các loại ong vò vẽ, ong bắp cày và một số loại ong vùng rừng núi rất độc và nguy hiểm.
Cách sơ cứu khi bị ong đốt
Nếu bạn bị ong đốt hãy nhanh chóng thực hiện những điều sau:
- Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong
- Nhanh chóng lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể người bị nạn. Bạn có thể khều nhẹ hoặc dùng nhíp kẹp. Tránh việc nặn ép bằng tay vì hành động này có thể khiến nọc độc ngày càng lan rộng.
- Tiếp đó, bạn nên giúp người bệnh rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, bôi dung dịch sát trùng cồn 70 độ lên vết đốt.
- Có thể chườm lạnh lên vết đốt. Đây là cách giúp bệnh nhân giảm đau và giảm sưng hiệu quả.
- Bên cạnh đó, người bệnh phải uống thật nhiều nước. Khi uống nhiều nước, nọc độc của ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó, giúp nạn nhân giảm nguy cơ suy đa tạng.
- Sau khi tiến hành những bước sơ cứu trên, nạn nhân cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.
Lưu ý: Nếu có những biểu hiện dưới đây, cần phải đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt:
- Bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như mặt, đầu, cổ,...
- Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm.
Các mẹo dân gian chữa ong đốt
Mẹo dân gian chữa ong đốt 1: Chườm đá
Chườm đá lạnh là một cách tốt để giảm sưng đau tức thời dựa trên cơ chế làm tê liệt và hạn chế lưu lượng máu tại vùng bị đốt đồng thời ngăn ngừa chất gây viêm trong nọc ong di chuyển. Do đó, ngay sau khi thực hiện sơ cứu, hãy nhanh chóng tìm kiếm đá chườm lên vết ong đốt.
Mẹo dân gian chữa ong đốt 2: Sử dụng kem đánh răng
Cách thực hiện:
- Thoa kem đánh răng trực tiếp lên vết bị ong đốt rồi chờ khoảng 20 phút thì rửa sạch bằng khăn ướt
- Bôi lại cho đến khi cảm thấy dễ chịu, vết đốt không còn sưng
Mẹo dân gian chữa ong đốt 3: Mật ong
Ngoài làm đẹp và chữa bệnh, mật ong còn là một mẹo dân gian chữa ong đốt được nhiều người sử dụng. Bởi trong mật ong có kháng sinh tự nhiên, làm loãng nọc độc, không những giảm đau mà còn ngăn ngừa nhiễm trùng.
Sau khi thực hiện các bước sơ cứu cho người bị ong đốt, bạn lấy mật ong nguyên chất bôi lên vết đốt và chờ trong 5 - 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước ấm và lặp lại thêm 1 - 2 lần/ngày.
Mẹo dân gian chữa ong đốt 4: Muối Epsom
Trong muối Epsom có chứa magie và sulfat, giúp giảm đau rất hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Lấy hai muỗng cà phê muối Epsom pha vào cốc nước lành và ngâm chiếc khăn sạch vào trong hỗn hợp.
- Đặt khăn lên chỗ bị ong chích
- Dung dịch muối Epsom sẽ nhanh chóng làm giảm các vết sưng và giảm đau rất nhanh.
Mẹo dân gian chữa ong đốt 5: Tỏi nghiền
Cách thực hiện:
- Dùng 1 – 2 củ tỏi, bóc vỏ và giã nát.
- Đắp trực tiếp lên vết thương, sử dụng gạc mỏng băng lại.
- Sau khoảng 30 phút thì hãy gỡ bỏ và hãy rửa lại bằng nước mát
Mẹo dân gian chữa ong đốt 6: Bột Baking soda
Cách thực hiện:
- Trộn baking soda với nước hoặc giấm để tạo thành hỗn hợp
- Đắp trực tiếp lên vết thương trong 5 - 10p.
- Sau đó rửa lại bằng nước ấm và lặp lại đến khi khỏi hẳn.
Mẹo dân gian chữa ong đốt 7: Sử dụng nha đam
Nha đam là loại thực vật có tác dụng làm mát, chống viêm, đồng thời giảm sưng đau và ngứa ngáy do ong đốt rất hiệu quả. Bạn có thể sử dụng các này để trị ong đốt. Chọn lá nha đam to có nhiều cùi, rửa sạch và cắt lát mỏng, sau đó đắp trực tiếp lên vết ong đốt. Khi miếng nha đam đã khô thì bạn thay miếng mới đắp lên đến khi vết ong đốt không còn khó chịu.
Cách phòng tránh bị ong đốt
Để không bị ong đốt, các bạn cần phải lưu ý những điều sau:
- Tránh xa những khu vực có nhiều ong để hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với ong.
- Không nên chọc phá tổ ong, kể cả những tổ ong được cho là không gây hại
- Trong trường hợp, ong bay đến gần thì không nên chạy mà hãy đứng hoặc ngồi im, tuyệt đối không cử động.
- Dùng khói hoặc lửa để xua đuổi ong
- Nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa và phát quang bụi rậm quanh nhà để tránh ong đến làm tổ.
- Đối với những trường hợp, nuôi ong lấy mật, thường xuyên phải tiếp xúc với ong cần mặc áo quần phòng hộ, không để lộ da để hạn chế tối đa nguy cơ bị ong đốt.
- Nếu có những chuyến dã ngoại vào rừng, bạn không nên mặc quần áo nhiều màu sắc, quá nổi bật, không dùng nước hoa, mỹ phẩm, không nên đi chân đất, không mặc những bộ đồ quá rộng. Nên đi găng tay, đội mũ và mặc những trang phục kín, dày dặn.
- Nguyên nhân và mẹo chữa dị ứng mẩn ngứa: Giải pháp tự nhiên để làm dịu và giảm triệu chứng
- Những mẹo vặt cuộc sống cực kỳ hữu ích, không phải ai cũng biết
- Tổng hợp những câu đố mẹo hay, có đáp án