Mẹo chăm cây cảnh trong nhà cho dân văn phòng: Đơn giản mà hiệu quả, ai cũng làm được
Muốn cây cảnh luôn tươi tốt không phải cứ "tưới nước là xong". Hãy áp dụng những mẹo này để luôn có điểm nhấn xanh sinh động cho không gian làm việc.
Trồng 6 loại cây này trong nhà, nỗi lo ẩm mốc tan biến
Các loại cây hút khí độc, hóa giải năng lượng xấu trong nhà vệ sinh
5 loại cây vị thuốc tốt cho sức khoẻ mà lại dễ trồng ngay trong nhà bếp
Hiểu nhu cầu cơ bản của cây trồng trong nhà
Phần lớn các loại cây cảnh phổ biến hiện nay đều có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới – nơi khí hậu ấm áp, độ ẩm cao và ánh sáng gián tiếp dồi dào. Cũng chính vì vậy mà chúng thích hợp với môi trường sống trong nhà, nơi có nhiệt độ ổn định và tương đối dễ kiểm soát.
Tuy nhiên, điều kiện trong nhà, đặc biệt là vào mùa khô hoặc mùa lạnh, có thể khiến không khí bị thiếu ẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. Một dấu hiệu rõ ràng là đầu lá bị khô, nâu và giòn. Để khắc phục, bạn nên:
-
Tránh đặt cây gần các nguồn nhiệt trực tiếp như máy lạnh, lò sưởi, bếp ga…
-
Vào mùa hanh khô, nên xịt sương nhẹ cho cây mỗi ngày.
-
Nếu có thể, mở cửa sổ vào những ngày thời tiết dễ chịu (trên 10°C) để không khí ẩm bên ngoài vào phòng.
Đừng lạm dụng nước
Một sai lầm thường gặp là tưới quá nhiều nước để “bù” cho không khí khô. Thực tế, độ ẩm trong đất không thể thay thế độ ẩm trong không khí. Thừa nước không những không giúp ích mà còn gây úng rễ, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
Mẹo nhỏ để tưới nước đúng cách:
-
Dùng ngón tay chọc nhẹ xuống đất khoảng 2–3 cm. Nếu đất vẫn ẩm thì chưa cần tưới.
-
Có thể đầu tư thêm một máy đo độ ẩm đất nếu bạn chăm nhiều loại cây.
-
Chỉ tưới khi đất đã khô ráo, và tưới cho đến khi nước chảy ra khỏi đáy chậu (nếu có lỗ thoát).

Ánh sáng là yếu tố sống còn
Hầu hết cây trồng trong nhà đều yêu thích ánh sáng gián tiếp, tức là ánh sáng được lọc qua màn, cửa kính hoặc rọi nghiêng thay vì nắng gắt chiếu trực tiếp. Cách kiểm tra đơn giản: Nếu bạn đưa tay ra trước ánh sáng và thấy bóng mờ, thì đó là ánh sáng gián tiếp lý tưởng.
Hãy ưu tiên đặt cây ở những nơi gần cửa sổ sáng nhưng không có nắng gắt buổi trưa chiếu thẳng vào. Nếu ánh sáng trong nhà quá yếu, bạn có thể cân nhắc dùng đèn LED chuyên dụng cho cây.
Dấu hiệu cảnh báo cây đang “kêu cứu”
Cây không thể nói, nhưng chúng có ngôn ngữ riêng để báo hiệu khi có vấn đề:
-
Lá vàng: Có thể do tưới quá nhiều, đất thoát nước kém hoặc cây bị ánh nắng chiếu trực tiếp quá mức.
-
Lá héo, có đốm nâu: Thường là dấu hiệu của úng nước, thối rễ hoặc bệnh do nấm.
-
Cây chậm lớn hoặc phát triển yếu: Có thể do cây đã “chật chội” trong chậu, cần được thay sang không gian lớn hơn.
Thay chậu đúng cách giúp cây “hồi sinh”
Cây cảnh trong nhà, nếu chăm sóc tốt, sẽ phát triển nhanh và cần thay chậu định kỳ – thường mỗi 1 đến 2 năm. Dấu hiệu nhận biết là rễ mọc vòng quanh đáy chậu hoặc mọc trồi ra khỏi lỗ thoát nước.
Khi thay chậu:
-
Chọn chậu mới lớn hơn từ 2–3 cm đường kính so với chậu cũ.
-
Đảm bảo chậu có lỗ thoát nước để ngăn úng rễ.
-
Đặt lớp đất mới khoảng 1/3 đáy chậu, đặt cây vào và lấp thêm đất xung quanh rễ.
-
Không đổ đầy đất sát miệng chậu – nên để chừa khoảng 1–2 cm để việc tưới nước dễ dàng hơn.
-
Sau khi thay chậu, đợi 1–2 tuần hãy bón phân pha loãng để cây quen môi trường mới.
Chăm sóc cây cảnh không quá phức tạp, chỉ cần bạn hiểu một chút về nhu cầu cơ bản của cây và điều chỉnh theo điều kiện sống của mình. Hãy áp dụng những mẹo chăm sóc trên để sở hữu một khu vườn nhỏ ngay chính góc làm việc của mình.