Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc sau khi ăn nấm
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi ăn nấm mọc hoang, không rõ nguồn gốc vì nguy cơ nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc.
Nhiều trường hợp ngộ độc do ăn nấm mọc trên xác nhộng ve sầu
Chiều tối ngày 6/6, chị N.T.N.N (ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cùng con trai P.H.T (12 tuổi) bắt nhộng ve sầu có nấm về để chiên ăn. Sau khi chiên dầu, chị N. ăn 2 con nhộng, cháu T. ăn 5 con nhộng. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, cả hai xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, kèm đau bụng quặn, nôn ói nhiều lần, phân lỏng. Người nhà đã nhanh chóng đưa các bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu.
Sau đó, hai bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên ngay trong đêm 6/6 để tiếp tục điều trị. Người mẹ - bệnh nhân N. được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. Người con – bệnh nhi T. có thêm triệu chứng rung giật nhãn cầu, tiếp xúc chậm được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, bệnh nhân N. được súc rửa dạ dày, truyền dịch và làm xét nghiệm cơ bản, sau đó đã không còn triệu chứng nôn và đau bụng. Hiện tại, sức khỏe chị M. đẫ ổn định.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các bác sỹ đã truyền dịch để tăng cường thải chất độc trong cơ thể bệnh nhân. Do ngộ độc nấm không có thuốc giải, các bác sỹ tập trung điều trị triệu chứng. Bác sỹ Trần Lê Duy Cường - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết hiện em T. đã mở mắt, tiếp xúc chậm, vẫn còn lơ mơ, rung giật cơ và nhãn cầu.
Trước đó, 1 người đàn ông ở Bình Thuận cũng được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vì ngộ độc sau khi ăn nấm mọc ra từ xác nhộng ve sầu. Ngày 3/6, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đã tiếp nhận 6 người thuộc 2 nhóm khác nhau ngụ tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) có các triệu chứng như rung giật cơ, tay chân yếu, không cử động được sau khi ăn nấm từ xác nhộng ve sầu...
Gia đình ngộ độc sau khi ăn nấm lạ: chồng tử vong, vợ nguy kịch
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân - Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, 3 trường hợp nghi ngộ độc nấm chuyển từ Tây Ninh lên là người trong một gia đình. Bệnh nhân gồm chồng, vợ và con gái 17 tuổi.
Ngày 4/6, gia đình bệnh nhân C.H.H đã hái nấm không rõ loại (tương tự như nấm trứng gà, trứng ngỗng) và xào với mướp ăn. Người chồng ăn nhiều nhất với khoảng nửa phần nấm xào mướp, người vợ và con gái ăn phần còn lại. Trong 8-12 giờ sau đó, cả 3 người lần lượt có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng rất nhiều, mức độ ngày càng nặng hơn. Ông H. tự mua thuốc không rõ loại để uống, đến 2h ngày 5/6, ông H. được người nhà đưa cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Các bệnh nhân còn lại cũng được chuyển vào bệnh viện địa phương và tiếp tục chuyển lên TP.HCM vào ngày 6/6.
Trong quá trình chuyển viện, người chồng bị khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản, bóp bóng. Tuy nhiên, ông tử vong tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Người vợ và con gái được chuyển lên Khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng suy gan gấp, men gan tăng rất cao kèm theo rối loạn đông máu.
Sau 2 ngày điều trị, người con gái đã cải thiện nhưng phải theo dõi thêm chức năng gan và rối loạn đông máu. Trong khi đó, người vợ vẫn nguy kịch, rối loạn chức năng gan diễn tiến xấu. Bệnh nhân được điều trị tích cực với lọc máu nhưng có nguy cơ nặng nề hơn, tiên lượng khó qua khỏi.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi ăn nấm mọc hoang, không rõ nguồn gốc vì nguy cơ nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc. Nhiều loại nấm độc khi ăn vào sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan, suy gan, suy thận, rối loạn nhịp tim... Ngộ độc nấm thường diễn tiến rất nhanh, có thể đe dọa tính mạng, do đó người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.