Thứ năm, 08/06/2023, 14:11 (GMT+7)

Bạn dễ mắc phải những bệnh nào khi đi bơi?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Nước bể bơi là môi trường dễ lây lan nhiều bệnh tật, đặc biệt nước bể bơi không đạt tiêu chuẩn được xem là “hung thần” với sức khỏe con người.

Những bệnh thường gặp khi đi bơi

Bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Đâu mắt đỏ thường do virus gây ra và dễ lây lan trong bể bơi nhất là khi hồ bơi quá tải, tình trạng xử lý nước bể bơi không đạt vệ sinh. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mắt đỏ, ra gỉ nhiều, ngứa, chảy nước mắt... Bệnh không được chăm sóc đúng cách hoặc điều trị chậm trễ có thể dẫn đến bội nhiễm hoặc viêm loét giác mạc. 

Bên cạnh đó, nhiều bể bơi lạm dụng hóa chất còn làm cho người bơi dễ mắc chứng khác về mắt như: khô mắt, đỏ mắt.

be boi Tiepthigiadinh H1
Môi trường nước bể bơi dễ lây lan bệnh truyền nhiễm

Bệnh tai - mũi - họng

Môi trường trong tai - mũi - họng là vô trùng, chỉ có một số vi khuẩn thường trú nhưng không gây bệnh. Khi đi bơi, nước lọt vào tai, nhất là nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây các bệnh viêm tai - mũi - họng. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh tai - mũi - họng nhất khi đi bơi bởi hệ hô hấp còn non yếu.

Do đó, khi thấy tai, mũi có hiện tượng đau, ngứa, chảy nước; họng bị sưng, có hiện tượng ho; sốt nhẹ… phải ngừng bơi và đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và điều trị dứt điểm.

Bệnh hen

Bệnh hen cũng có thể xảy ra khi đi bơi nhiều. Thủ phạm chính là các chất hóa học được sử dụng trong nước bể bơi xâm nhập đường hô hấp và kích hoạt các cơn hen.

Bệnh ngoài da

Chất sát khuẩn trong nước bể bơi có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng với triệu chứng là da khô và bong tróc. Bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em cũng dễ lây lan trong môi trường nước.

Khi bơi lội, cơ thể dễ va chạm và bị xây xước nhẹ. Đây là điều kiện rất tốt để các virut, vi khuẩn... xâm nhập và tấn công cơ thể gây nên bệnh ngoài da. Phổ biến nhất là bị u mềm lây với triệu chứng là những nốt gồ lên nổi trên da, đỉnh của những nốt này có vết lõm xuống và lan dần ra như mụn cóc. Ấu trùng bệnh ghẻ và tế bào nấm của bệnh nấm móng, nấm tóc, hắc lào, lang ben… sẽ rơi ra trong nước và gây bệnh cho những người bơi khác. Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, viêm loét tại các vị trí thương tổn. Cần chú ý cơ thể mình và điều trị khỏi bệnh rồi hãy đi bơi để tránh lây bệnh cho người khác.

Bệnh phụ khoa

Các tác nhân gây bệnh trong nước bể bơi dễ xâm nhập cơ thể gây nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục, viêm đường tiết niệu, nhất là với các bé gái và phụ nữ.

Bệnh lậu có thể lây qua môi trường nước bình thường nhưng nếu nước bể bơi bảo đảm được sát trùng thì sẽ không lây bệnh. Thực tế, tại Việt Nam rất ít bể bơi có nước bảo đảm được sát trùng nên bệnh lậu dễ làm vi trùng rơi vào mắt, làm những người bơi xung quanh dễ mắc bệnh lậu mắt (mắt viêm đỏ, chảy mủ).

Bệnh tiêu chảy

Người đi bơi uống phải nước hồ bơi không vệ sinh sẽ dễ mắc bệnh tiêu chảy. Hoặc khi có người mắc bệnh tiêu chảy nhưng vẫn đi bơi, trong trường hợp không kiểm soát được đi ra ngoài cũng là nguồn lây bệnh cho những người khác.

Bảo vệ bản thân thế nào khi đi bơi?

Chọn bể bơi uy tín

Những bể bơi uy tín và đảm bảo về chất lượng sẽ giảm bớt tình trạng bệnh do vệ sinh nước không sạch sẽ gây ra.

be boi Tiepthigiadinh H2
Hãy chọn bể bơi uy tín và trang bị đầy đủ quần áo bơi, mũ bơi, kính bơi

Trang bị đồ chơi chất liệu tốt, mũ bơi, kính bơi

Bể bơi là nơi có rất nhiều hóa chất, các chất thải, bẩn gây hại cho cơ thể. Vì thế, ngoài đồ bơi chất liệu tốt, chúng ta cũng nên trang bị các phương tiện bảo hộ như mũ bơi và kính bơi... để bảo vệ cho các vùng nhạy cảm trên cơ thể, hạn chế mắc bệnh về mắt và giảm khô xơ tóc do chất hóa học trong nước bể bơi.

Thoa kem chống nắng đầy đủ

Bạn có thể thoa kem chống nắng với độ SPF ở mức 15 khi bơi bể bơi trong nhà bởi ánh nắng mặt trời vẫn có khả năng xuyên qua cửa kính và tác động đến da. Khi bơi ngoài trời, cho dù trời không nắng vẫn nên thoa kem chống nắng để bảo vệ da. Hãy chọn loại kem chống nắng không thấm nước, có độ SPF ở mức 30. Mức SPF cao hơn sẽ khó thẩm thấu vào da khiến da dễ bị khô.

Tắm tráng trước khi bơi

Khi bạn tắm, cơ thể loại bỏ bớt những vi khuẩn có hại, dễ lây lan cho những người khác. Hãy bảo vệ không chỉ chính bản thân mình mà còn cả những người xung quanh.

Không uống nước trong bể bơi

Theo các chuyên gia sức khỏe, trung bình người lớn uống phải 15ml nước mỗi lần bơi còn trẻ em uống nước ở bể bơi nhiều gấp đôi người lớn. Việc không uống nước ở bể bơi giúp giảm ngu cơ lây nhiễm một số bệnh không mong muốn.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi bơi

Hãy tắm lại bằng nước sạch, tắm bằng dầu gội vầ sữa tắm (nếu điều kiện bể bơi cho phép) rồi lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai, rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng các dung dịch vệ sinh có hoạt tính dịu nhẹ. Phụ nữ trước và trong kỳ kinh nguyệt hay đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa không nên đi bơi.

Cùng chuyên mục