Cha mẹ cần cảnh giác với ngộ độc thực phẩm nếu con có những dấu hiệu này
(Tiepthigiadinh) - Trong ngộ độc thực phẩm, sức khỏe của trẻ nhỏ là đáng lo ngại nhất vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, hệ miễn dịch cũng đủ mạnh mẽ để chống lại các tác nhân gây bệnh.
Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Mới đây, một vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại trường iSchool Nha Trang với tổng số 600 ca tiếp nhận, 1 trường hợp đã tử vong (theo ghi nhận vào sáng ngày 21/11) đã khiến tâm lý phụ huynh vô cùng hoang mang.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm khá rõ rệt và nếu như được can thiệp nhanh chóng thì bệnh nhân có thể được cứu sống. Trong ngộ độc thực phẩm, sức khỏe của trẻ nhỏ là đáng lo ngại nhất vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, hệ miễn dịch cũng đủ mạnh mẽ để chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngộ độc thực phẩm có thể khiến trẻ mệt mỏi, nôn ói, tiêu chảy, sốt cao, đau dạ dày, thậm chí là tử vong.
Những dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Theo BS CKII Huỳnh Thúy Hằng (Trưởng Khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau), một số dấu hiệu ngộ độc thực phẩm của trẻ có thể xuất hiện như sau:
- Bất chợt nôn liên tục sau khi ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm độc. Dấu hiệu này có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày. Một số trường hợp nặng, trẻ có thể nôn ra máu.
- Sau khi nôn hết thực phẩm trẻ đã ăn, uống trước đó, thì trẻ tiếp tục có dấu hiệu nôn khan liên tiếp sau vài giờ, không ăn gì cũng nôn. Trẻ bị nôn nhiều thường dẫn đến tình trạng rối loạn nước và chất điện giải.
- Đau bụng dữ dội, đau quặn bụng thường xảy ra trước lúc đi ngoài. Đi ngoài phân có lẫn nước, đôi khi lẫn cả máu là những dấu hiệu cho thấy ruột của trẻ bị tổn thương, nhiễm khuẩn.
- Sốt cao kéo dài, đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm.
Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà tình trạng của trẻ có thể nghiêm trọng hay đơn giản. Nhưng dù nhẹ hay nặng cũng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Cách xử lý khi phát hiện trẻ bị ngộ độc thực phẩm
1.Cha mẹ cho con ngưng sử dụng thức ăn, thức uống nghi ngờ gây ngộ độc ngay.
2. Gây nôn cho trẻ, cần kích thích cho trẻ càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn, nước uống ngộ độc ra ngoài.
3. Cho con nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước của con do ói mửa, tiêu chảy...
4. Để con uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bao cân bằng nước và điện giải.
5. Cần giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Các bác sĩ cho biết, để phòng ngừa ngộ độc cho trẻ, phụ huynh cần phải:
- Đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho trẻ.
- Để trẻ sử dụng thức ăn được bảo quản cẩn thận.
- Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn.
- Dạy cho trẻ thói quen không tự ý ăn hay uống những thực phẩm lạ.
- Rửa tay sạch trước khi ăn.