Thứ năm, 17/11/2022, 14:49 (GMT+7)

Viêm phổi tái phát ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh viêm phổi tái phát, các đợt thường gần nhau, nhiều trẻ còn chưa khỏi hẳn lại tái phát, khiến trẻ phải nhập viện.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước Đông Nam Á tỉ lệ viêm phổi cao gấp 7 lần các nước phát triển, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu khi trẻ được đưa đến khám và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.

viem phoi tai phat Tiepthivagiadinh H1
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ là vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ có thể do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Trong đó thường gặp nhất là viêm phổi do vi khuẩn phế cầu. Theo thống kê, tình trạng viêm phổi do phế cầu chiếm khoảng 30 - 35% trường hợp, sau đó là Haemophilus Influenzae chiếm khoảng 10 - 30%, ngoài ra còn có một số tác nhân gây bệnh khác như Straphylococcus Aureus, Streptococcus Pyogens…

Nguyên nhân gây viêm phổi do virus thường gặp là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm A, B; Adenovirus. Nhiễm virus đường hô hấp còn có thể gây ra viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn.

Các nghiên cứu ghi nhận được tình trạng viêm phổi ở trẻ còn do ký sinh trùng và nấm, có thể gặp viêm phổi do Candida, Toxoplasma…

Vậy lý do nào khiến cho trẻ em viêm phổi tái phát liên tục trong một năm. Nhiều cha mẹ thường lo lắng, than phiền khi trẻ nhập viện khám liên tục vì mắc căn bệnh này.

Nguyên nhân khiến viêm phổi ở trẻ tái lại nhiều lần

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh viêm phổi tái phát, các đợt thường gần nhau, nhiều trẻ còn chưa khỏi hẳn lại tái phát, khiến trẻ phải nhập viện.

- Nghiên cứu cho thấy các yếu tố khiến trẻ mắc viêm phổi tái phát nhiều lần là yếu tố tự nhiên, môi trường và xã hội. Đối với trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện, nên khi bị viêm phổi trẻ sẽ lười ăn. Điều này khiến trẻ mệt mỏi, sức đề kháng kém, tạo thành một vòng luẩn quẩn, mắc viêm phổi tái phát nhiều lần trong năm.

- Các yếu tố thời tiết giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến bệnh viêm phổi của trẻ tái phát. Yếu tố môi trường sống, trong đó có nguồn nước, nguồn không khí ngày càng ô nhiễm và nhiều khói bụi; môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh… có tác động đến tình trạng viêm phổi tái phát ở trẻ. Tình trạng tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá từ những người xung quanh (hút thuốc thụ động) là yếu tố thúc đẩy thuận lợi khiến trẻ viêm phổi tái phát.

- Chăm sóc trẻ không đúng cách cũng là một yếu tố khiến bệnh viêm phổi ở trẻ tái phát. Trong đó thường gặp nhất là khi trẻ nô đùa, chạy nhảy khiến mồ hôi ra nhiều, nhưng cha mẹ, người chăm sóc trẻ không thay quần áo ngay, gây ra tình trạng mồ hôi ngấm ngược, khiến trẻ dễ bị lạnh và viêm phổi.

viem phoi tai phat Tiepthivagiadinh H2
Việc sử dụng kháng sinh để điều trị viêm phổi cho trẻ cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, tình trạng nhiễm lạnh khi cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm muộn là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi tái phát ở trẻ.

- Trẻ không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, không được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm… khiến viêm phổi tái phát nhiều lần.

- Trẻ có dị tật bẩm sinh đường hô hấp, trẻ suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc bệnh lý kèm theo, trẻ sinh thiếu tháng… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và dễ bị viêm phổi tái lại nhiều lần hơn.

- Một yếu tố khiến trẻ mắc bệnh viêm phổi tái phát nhiều lần hơn là tình trạng lạm dụng thuốc, trong đó có kháng sinh.

- Những năm trở lại đây việc mua bán thuốc rất thuận tiện, nhiều cha mẹ thấy trẻ ốm đã tự mua thuốc để điều trị, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, tự điều trị uống không đủ liều, thời gian dừng chưa đúng… là những nguyên nhân khiến trẻ viêm phổi tái phát nhiều lần và ngày một trầm trọng hơn.

Lời khuyên thầy thuốc

Để hạn chế viêm phổi tái phát ở trẻ, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần biết chăm sóc trẻ đúng cách.

- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho điều trị cho trẻ tại nhà. Nếu trẻ có các dấu hiệu của viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 tuổi để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.

- Đối với trẻ ăn dặm cần bổ sung hợp lý, thức ăn bổ sung cần đủ 4 nhóm thực phẩm (Ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả).

- Cần chú ý vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá và bụi bẩn nơi ở.

- Cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ đúng lịch, tránh cho trẻ đến nơi đông người, nhất là những người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi... để tránh nhiễm sang trẻ.

- Khi thời tiết chuyển mùa cần quan tâm, chăm sóc trẻ bằng cách mặc đồ thoáng mát cho trẻ vào ban ngày, nhưng phải giữ ấm vào ban đêm, đặc biệt tại ba vị trí: Lòng bàn chân, mông và mỏ ác (thóp phồng). Và mùa lạnh cần mặc ấm cho trẻ để tránh tình trạng bị nhiễm lạnh, dễ dẫn đến viêm phổi.

Cùng chuyên mục