Thứ năm, 14/11/2024, 20:31 (GMT+7)

Là 'thủ phạm' gây ra các vụ ngộ độc tập thể lớn, vi khuẩn Salmonella nguy hiểm thế nào?

Theo chuyên gia, Salmonella là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài việc gây khó chịu như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, còn có thể gây nhiễm trùng nặng và tử vong.

“Thủ phạm” của hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô lớn

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm số tiền 96 triệu đồng đối với ông Lê Quí Long (chủ hộ kinh doanh Hồng Phát), tại xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Chủ hộ kinh doanh bị xử phạt về các hành vi, gồm: Chế biến, cung cấp thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn và thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn. Ngoài phạt tiền, chủ hộ kinh doanh bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chế biến, cung cấp suất ăn trong thời gian 4 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Trước đó, sau bữa ăn trưa ngày 12/8 tại nhà ăn của Công ty TNHH Bo Hsing, có 287 trường hợp mắc ngộ độc thực phẩm, đã có 221 trường hợp phải nhập viện điều trị, nguyên nhân là do thức ăn nhiễm vi sinh vật Bacillus cereus, E.Coli, Salmonella spp trong các món do ông Lê Quí Long cung cấp.

Thông tin trên báo chí, ông Lê Quí Long là chủ hộ kinh doanh cung cấp các suất ăn cho Công ty TNHH Bohsing (Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ). Cụ thể, ngày 12/8 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long phối hợp Công ty TNHH Bo Hsing tổ chức chương trình “bữa cơm công đoàn” cho 1.500 đoàn viên, người lao động, với giá trị suất ăn tăng thêm 50.000 đồng so với bữa ăn hàng ngày do công ty cung cấp.

Tổng số 1.500 phần ăn, gồm 1.374 phần mặn và 126 phần chay cùng các món tráng miệng. Sau khi dùng bữa ăn vào trưa tại nhà ăn của công ty, có 287 trường hợp mắc ngộ độc thực phẩm, trong đó 221 trường hợp nhập viện điều trị và 66 trường hợp điều trị ngoại trú. Sau khi được bác sĩ chăm sóc, điều trị, các trường hợp này đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Kết quả điều tra xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do thức ăn nhiễm vi sinh vật trong các món do chủ hộ kinh doanh nói trên cung cấp. Kết quả, có 7/14 mẫu có chất gây ngộ độc thực phẩm có trong thức ăn là do các vi sinh vật: Bacillus cereus, E.Coli, Salmonella spp gây ra. Những vi sinh vật này có trong các thức ăn gồm: bắp xào củ cải thịt nạc, đậu hũ chiên, bắp xào chay, đùi gà chiên nước mắm, thịt heo xào đậu, cà rốt, rau xà lách, dưa leo, cà chua, trái cây (táo, chuối).

ngodoctp
Đoàn kiểm tra đang kiểm tra đột xuất Căng tin ký túc xá Trường Cao đẳng Lào Cai cơ sở 1. Ảnh: Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai.

Tương tự, vụ ngộ độc thực phẩm khiến 80 học sinh, sinh viên ở nội trú trong ký túc xá Trường Cao đẳng Lào Cai cơ sở 1 (phường Bắc Cường, TP Lào Cai) mắc phải, trong đó có 54 em phải nhập viện với các biểu hiện tiêu hoá, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm tối tại nhà ăn.

Theo các học sinh, bữa ăn tập trung vào tối 8/10 có thịt lợn rang, thịt lợn kho, thịt gà xào hành tây, chả lá lốt, thịt gà rang, giá xào bắp cải, dưa chuột muối, canh rau muống. Ngoài ra, còn có món bánh bao nhân xúc xích được mua từ cơ sở bên ngoài.

Chi Cục An toàn thực phẩm Lào Cai đã lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, đã phát hiện 4 món ăn tại bữa cơm tối 8/10 là món dưa chuột, chả lả lốt, thịt gà rang, canh rau muống dương tính với vi khuẩn Salmonella…

UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh Phạm Thị Thuyết (căng tin Trường Cao đẳng Lào Cai) gây ngộ độc thực phẩm với 3 hành vi gồm: Chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước, với tổng số tiền 83 triệu đồng.

Được biết, vi khuẩn Salmonella là “thủ phạm” gây ra các vụ ngộ độc tập thể lớn, dễ diễn biến nặng như vụ ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào tháng 3/2024 khiến hơn 300 người phải nhập viện; hay vụ hơn 300 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An, tỉnh Quảng Nam vào tháng 9/2023; rồi vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào tháng 11/2022 khiến hơn 600 học sinh, giáo viên phải nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong…

Vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm nguy hại với sức khỏe, làm thế nào để tránh?

Vi khuẩn Salmonella là thủ phạm hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Salmonella là vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, kém đề kháng với điều kiện bên ngoài và bị phá hủy trong quá trình tiệt trùng thực phẩm. Tuy nhiên, Salmonella có thể sót trong một thời gian dài ở các thực phẩm khô, ướp lạnh...

Theo WHO, ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngộ độc Salmonella do hệ miễn dịch yếu.

Một người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn đồ ăn hoặc uống nước hoặc sữa bị nhiễm vi khuẩn Salmonella; ăn hoặc chạm vào miệng sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn mà không rửa tay trước. Động vật thường bị nhiễm khuẩn Salmonella, gồm: Gà, vịt, lợn, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát như rắn, thằn lằn và rùa. Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ đến 6 ngày.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, các nguồn lây nhiễm Salmonella trong thực phẩm có nguyên nhân do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết mổ. Một số loại gia cầm khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể có ở vỏ trứng.

Bên cạnh đó, nhiễm Salmonella có thể xảy ra do dụng cụ chứa đựng không bảo đảm vệ sinh, do nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc bị côn trùng, vật trung gian (ruồi, chuột) xâm nhập. Thêm vào đó, các loại thịt xay, băm nhỏ… bảo quản không đúng tiêu chuẩn, nếu bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển. Đáng lưu ý, thực phẩm nguội ăn ngay hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu không đun lại khi ăn cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm Salmonella.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, khi bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, ngoài việc gây khó chịu như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, còn có thể gây nhiễm trùng nặng nhiều hơn và tử vong. Có tới 8% các trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu… Do đó, các bác sĩ sẽ điều trị kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, sau đó tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và điều trị triệu chứng.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong nước 2 - 3 tuần, trong phân 2 - 3 tháng. Cụ thể, vi khuẩn này sống được 2 - 3 tháng trong nước đá. Tuy nhiên, vi khuẩn Salmonella lại bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, thậm chí có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Do vậy, để phòng tránh nhiễm khuẩn, mọi người cần tuân thủ ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp...

Cùng chuyên mục