Không bắt nạt - không bị bắt nạt: Kỹ năng sống cha mẹ nhất định phải dạy con
Không bắt nạt, không bị bắt nạt và không im lặng khi thấy bất công là điều mà các bậc phụ huynh nên hướng dẫn để con trở thành một đứa trẻ tử tế, bản lĩnh.
Con nổi loạn tuổi dậy thì: Bố mẹ cần là người dập lửa, không phải mồi lửa
5 bài học cha mẹ bắt buộc phải dạy con để phòng tránh nguy cơ bị xâm hại
Tình bạn tuổi thơ là nền tảng cho kỹ năng xã hội và cảm xúc suốt đời của một đứa trẻ. Nhưng giữa những cuộc vui nơi sân trường, không hiếm khi xảy ra cảnh bạn trêu chọc, đẩy nhau, tẩy chay hoặc “lấy quyền làm lớn” để bắt nạt bạn nhỏ. Là cha mẹ, chúng ta không chỉ mong con được bạn bè yêu quý, mà còn mong con biết cách cư xử tử tế, không làm tổn thương ai và cũng không để bản thân bị tổn thương.
Vậy làm sao để dạy con ứng xử đúng mực trong quan hệ bạn bè - không trở thành kẻ bắt nạt, cũng không là nạn nhân?
Bắt đầu từ giá trị: Tử tế và tôn trọng
Ngay từ nhỏ, bố mẹ cần dạy con về sự tử tế, biết chia sẻ, giúp đỡ và cảm thông với người khác. Bên cạnh đó, tôn trọng sự khác biệt là yếu tố rất quan trọng. Trẻ cần hiểu rằng bạn mình có thể khác về ngoại hình, sở thích hay tính các và điều đó không phải là lý do để trêu chọc hay xa lánh.
Hãy trò chuyện với con thường xuyên bằng những ví dụ đơn giản: “Nếu con là bạn Minh, bị các bạn chê vì nói ngọng thì con sẽ cảm thấy thế nào?”. Từ đó, giúp con đặt mình vào vị trí người khác, nuôi dưỡng lòng thấu cảm - “lá chắn” hiệu quả chống lại hành vi bắt nạt.

Dạy con cách phản ứng khi bị bắt nạt
Khi bị trêu chọc, xô đẩy hay tẩy chay, trẻ có thể hoang mang, sợ hãi và không biết chia sẻ với ai. Vì thế, cha mẹ cần chuẩn bị cho con một vài phản ứng cơ bản, thay vì để con chịu đựng trong im lặng:
-
Giữ bình tĩnh và không đáp trả bằng bạo lực. Trẻ nên biết rằng đánh lại không phải là giải pháp tốt.
-
Nói rõ ràng và dứt khoát: “Bạn làm vậy là không đúng, mình không thích".
-
Tìm người lớn đáng tin cậy để kể lại sự việc: thầy cô, cha mẹ hoặc giám thị trường.
Quan trọng nhất, hãy để con biết rằng: việc bị bắt nạt không bao giờ là lỗi của nạn nhân và con luôn có người lớn sẵn sàng bảo vệ và lắng nghe.
Dạy con không trở thành “kẻ bắt nạt vô tình”
Nhiều đứa trẻ không ý thức được rằng mình đang bắt nạt bạn bè. Đơn giản trẻ có thể vì thấy bạn khác lạ nên trêu chọc cho vui hay hùa theo đám đông để không bị lạc lõng. Vì vậy, cha mẹ cần quan sát cách con nói chuyện, chơi đùa và hỏi han kỹ hơn:
-
“Hôm nay con chơi với ai?”
-
“Có ai trong lớp hay bị trêu không?”
-
“Con có từng chọc bạn nào chưa?”
Nếu con thừa nhận đã từng đẩy bạn, lấy đồ chơi hay gọi bạn bằng biệt danh trêu chọc, đừng vội la mắng. Thay vào đó, hãy giải thích hậu quả từ hành vi ấy, khuyến khích con xin lỗi và sửa sai.
Dạy con đứng về lẽ phải
Không phải lúc nào con cũng là người trong cuộc. Nhưng nếu chứng kiến bạn bị bắt nạt, con cần được dạy rằng sự im lặng cũng có thể là đồng lõa. Dù chưa đủ dũng cảm để can ngăn, con vẫn có thể:
-
Gọi người lớn đến giúp;
-
Dắt bạn rời khỏi tình huống bị bắt nạt;
-
Nói với người bạn bị bắt nạt rằng: “Mình thấy bạn không sai, đừng buồn".
Việc đứng về lẽ phải sẽ giúp trẻ xây dựng lòng chính trực, sự dũng cảm và không thờ ơ với mọi người.
Ứng xử với bạn bè là một kỹ năng không thể học trong một sớm một chiều, mà là kết quả của quá trình rèn luyện từ trong gia đình. Khi cha mẹ dạy con biết tử tế, biết bảo vệ mình và biết lên tiếng đúng lúc, chính là đang trao cho con một “hành trang cảm xúc” vững chắc để bước vào đời.