Mùa hè nên tập thể dục sáng sớm hay chiều tối? Lựa chọn khôn ngoan cho sức khỏe
Không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất vận động, thời điểm tập thể dục còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch, thần kinh và tâm trạng của mỗi người.
Tập thể dục vào lúc nào để ngủ ngon hơn mỗi tối? Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ
Trang điểm khi tập thể dục có gây hại cho làn da? Đây là điều nàng cần lưu ý
Tập luyện bao nhiêu là đủ để hỗ trợ chức năng thận? Hướng dẫn bài tập nhẹ nhàng cho người bệnh thận
Mùa hè và những thách thức với việc vận động ngoài trời
Mùa hè ở Việt Nam thường đặc trưng bởi nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và ánh nắng gay gắt. Đặc biệt từ khoảng 10h sáng đến 3h chiều, thời tiết trở nên cực kỳ khắc nghiệt, với nền nhiệt có thể vượt ngưỡng 35-40°C. Luyện tập trong điều kiện như vậy dễ khiến cơ thể bị mất nước, kiệt sức, thậm chí say nắng hay đột quỵ nhiệt nếu không cẩn thận.
Chính vì vậy, “khung giờ vàng” cho hoạt động thể chất vào mùa hè thường rơi vào sáng sớm hoặc chiều tối - thời điểm nhiệt độ dịu mát, không khí dễ chịu hơn. Tuy nhiên, để chọn thời điểm lý tưởng, cần hiểu rõ đặc điểm, lợi ích và hạn chế của từng khung giờ.

Tập luyện sáng sớm: Khởi đầu đầy năng lượng
Tập thể dục vào sáng sớm không chỉ giúp kích hoạt cơ thể sau một đêm nghỉ ngơi mà còn tạo ra một chuỗi hiệu ứng tích cực kéo dài cả ngày. Việc vận động nhẹ nhàng vào khoảng 5h30-7h sáng có thể giúp tăng cường tuần hoàn máu, thúc đẩy trao đổi chất và cải thiện sự tỉnh táo tinh thần.
Ngoài ra, không khí buổi sáng thường trong lành, ít khói bụi hơn các thời điểm khác trong ngày rất phù hợp với các hoạt động ngoài trời như chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe hay yoga.
Về tâm lý, một buổi tập đầu ngày cũng giúp tăng nồng độ serotonin - hormone hạnh phúc, hỗ trợ bạn duy trì tâm trạng tích cực, giảm căng thẳng và nâng cao khả năng tập trung. Những người tập sáng thường hình thành thói quen sống lành mạnh như ăn sáng đầy đủ, uống đủ nước và ngủ đúng giờ hơn.
Tuy vậy, buổi sáng cũng có nhược điểm: thân nhiệt còn thấp, các cơ, khớp chưa dẻo dai, có thể gây căng cứng hoặc chấn thương nếu không khởi động kỹ. Với người có huyết áp thấp hoặc hạ đường huyết, việc tập luyện khi bụng đói cũng cần được cân nhắc kỹ.
Tập luyện chiều tối: Xả stress, ngủ ngon hơn
Buổi chiều tối, đặc biệt từ sau 17h30 là khoảng thời gian cơ thể đã hoàn tất nhiều hoạt động trong ngày. Lúc này, nhiệt độ cơ thể cao hơn, cơ bắp linh hoạt hơn nên bạn có thể đạt được hiệu suất luyện tập cao hơn mà ít rủi ro chấn thương.
Hơn nữa, đây là thời điểm thích hợp để “xả stress” sau giờ làm việc. Việc tập luyện giúp cơ thể sản sinh endorphin - chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác thư giãn và hưng phấn. Những người duy trì vận động vào cuối ngày thường có giấc ngủ sâu hơn và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, nếu tập thể dục, thể thao quá muộn, sau 20h hoặc sát giờ ngủ dễ dẫn đến hệ thần kinh có thể vẫn ở trạng thái hưng phấn, gây khó ngủ. Ngoài ra, chất lượng không khí vào cuối ngày ở các đô thị thường giảm, nên cần chọn nơi tập thoáng đãng hoặc trong nhà.
Nên chọn sáng sớm hay chiều tối?
Không có câu trả lời duy nhất cho mọi người, bởi việc chọn thời điểm luyện tập nên dựa vào lối sống, lịch sinh hoạt và thể trạng cá nhân. Nếu bạn muốn bắt đầu ngày mới tràn đầy năng lượng, duy trì nếp sống khoa học thì sáng sớm là thời điểm lý tưởng. Ngược lại, nếu bạn muốn giải tỏa căng thẳng sau ngày dài, đốt cháy năng lượng thừa thì buổi chiều tối sẽ phù hợp hơn.
Với những người làm việc ca đêm, chăm con nhỏ hay có lịch trình bận rộn, sự linh hoạt càng trở nên quan trọng. Bạn có thể thử nghiệm các khung giờ khác nhau trong tuần để tìm ra thời điểm cơ thể phản hồi tốt nhất.
Cho dù là tập thể dục sáng hay chiều, yếu tố quan trọng nhất vẫn là duy trì thói quen luyện tập đều đặn, đúng cách và phù hợp với thể trạng. Đừng quên bổ sung nước, ăn nhẹ nếu cần thiết, lựa chọn bài tập phù hợp với thể lực và luôn khởi động kỹ trước khi vận động.