Thứ tư, 09/07/2025
logo
Gia đình

5 bài học cha mẹ bắt buộc phải dạy con để phòng tránh nguy cơ bị xâm hại

Thanh Hoa Thứ tư, 09/07/2025, 09:35 (GMT+7)

Trẻ nhỏ có nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Do đó, việc giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Từ vụ bé 3 tháng tuổi bị xâm hại: Cảnh báo đau lòng và 7 điều cha mẹ phải làm ngay để bảo vệ con

Dạy con tự lập đúng cách theo từng giai đoạn phát triển

Tiết kiệm và tiêu tiền đúng cách: Bài học tài chính đầu tiên phụ huynh nên dạy con

Nhiều cha mẹ vẫn e ngại hoặc lúng túng khi nói với con về các nguy cơ xâm hại. Làm sao để dạy con mà không khiến trẻ hoảng sợ? Làm sao để trẻ hiểu rõ giới hạn, biết cách nói "không" và tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời?

Dưới đây là những nguyên tắc đơn giản, dễ thực hiện nhưng vô cùng quan trọng mà cha mẹ có thể áp dụng từ khi con còn nhỏ.

Bắt đầu từ việc hiểu cơ thể

Ngay từ khi con còn nhỏ (khoảng 3 tuổi), cha mẹ nên bắt đầu dạy cho con tên gọi chính xác của các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Việc dùng đúng từ ngữ sẽ giúp trẻ hiểu rõ đâu là vùng riêng tư, từ đó dễ dàng giao tiếp nếu có vấn đề xảy ra. Đừng dùng biệt danh vì dễ khiến trẻ lúng túng khi cần nói ra điều mình gặp phải.

Cha mẹ cũng nên nói rõ: “Bộ phận riêng tư là phần cơ thể được che bởi đồ bơi và không ai được phép chạm vào đó, trừ khi con cần sự chăm sóc y tế từ bác sĩ và có sự đồng ý của ba mẹ".

Thiết lập “quy tắc 5 ngón tay” để nhận diện người đáng tin

Một cách dễ hiểu để dạy trẻ phân biệt người có thể tin tưởng là “quy tắc 5 ngón tay”:

  • Ngón cái: Người thân thiết nhất (ba, mẹ).

  • Ngón trỏ: Người thường hướng dẫn (giáo viên).

  • Ngón giữa: Người hỗ trợ (ông bà, cô chú ruột).

  • Ngón áp út: Bạn bè.

  • Ngón út: Người quen biết sơ (hàng xóm, người giúp việc…).

Dạy trẻ rằng chỉ có ngón cái và ngón trỏ mới có thể giúp đỡ khi cần thiết về sức khỏe hoặc chăm sóc, còn những người còn lại không được chạm vào vùng riêng tư.

Dạy con biết nói “không”, bỏ chạy và báo cho người đáng tin

Một kỹ năng sống còn là giúp con nhận biết dấu hiệu nguy cơ xâm hại và phản ứng đúng cách:

  • Khi ai đó làm con khó chịu, đụng chạm hoặc đưa ra đề nghị lạ lùng, con được phép hét to “KHÔNG!”, chạy khỏi nơi đó ngay lập tức và báo cho người lớn đáng tin cậy.

  • Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con diễn tập các tình huống giả định để con ghi nhớ phản xạ này.

Ngoài ra, luôn nhắc con: “Con không có lỗi nếu bị xâm hại. Dù chuyện gì xảy ra, ba mẹ luôn tin con". Đây là điều giúp con mạnh dạn chia sẻ và không đổ lỗi cho bản thân.

Quản lý môi trường xung quanh, cả người lạ và người quen

Thống kê cho thấy, trong nhiều vụ xâm hại, thủ phạm lại chính là người quen biết – thậm chí là họ hàng, người giúp việc, hàng xóm. Vì vậy, cha mẹ không nên mặc định rằng “ở nhà là an toàn”.

Hãy dạy con rằng:

  • Không đi theo người lạ dù họ có đồ chơi, bánh kẹo hay nhờ giúp đỡ.

  • Không giữ bí mật với ba mẹ, nhất là những bí mật liên quan đến cơ thể.

  • Khi ở nhà một mình, con không mở cửa cho bất kỳ ai.

Cha mẹ cũng cần chủ động giám sát các mối quan hệ xung quanh con, không để con ở một mình quá lâu với người khác, đặc biệt trong môi trường không rõ ràng.

Luôn tạo kết nối để con tin tưởng chia sẻ

Không có biện pháp nào hiệu quả hơn bằng tình cảm, sự lắng nghe và kết nối giữa cha mẹ và con. Nếu trẻ cảm thấy được yêu thương, tin tưởng và tôn trọng, các em sẽ sẵn sàng chia sẻ bất cứ điều gì bất thường xảy ra.

Hãy thường xuyên trò chuyện cùng con, không phán xét, không quát mắng khi con nói điều gì "lạ" và luôn khuyến khích con đặt câu hỏi, bày tỏ cảm xúc.

Phòng tránh nguy cơ xâm hại cho trẻ không phải là một buổi học duy nhất, mà là quá trình giáo dục liên tục, nhẹ nhàng và phù hợp với độ tuổi. Cha mẹ chính là tấm khiên đầu tiên và vững vàng nhất, giúp con lớn lên an toàn, tự tin và biết yêu quý cơ thể mình. 

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục