Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 18/10/2023, 14:10 (GMT+7)

Hàng ‘made in Italy’ có thuyết phục được thế hệ Gen Z mua sắm?

Thời trang “made in Italy” có đủ sức hút với thế hệ Gen Z hay không, khi mà nhóm đối tượng đề cao tính độc đáo và trải nghiệm cá nhân?

Ông Daniel Langer – Top 5 chuyên gia toàn cầu về sản phẩm xa xỉ chia sẻ rằng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm “made in Italy” không tạo được ấn tượng trong ngành thời trang, phong cách và tay nghề thủ công với giới trẻ. Ngược lại, cụm từ này khiến nhóm đối tượng nghĩ đến mì Ý và pizza - hai món ăn tiêu biểu của nước Ý.

Điều này cho thấy để thu hút khách hàng trẻ Gen Z, việc gắn mác sản phẩm được sản xuất từ Italy không đủ để thuyết phục khách hàng mua sắm thời trang xa xỉ. Không chỉ các thương hiệu đến từ Ý, nếu các thương hiệu xa xỉ không có câu chuyện tạo sự khác biệt thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhóm thế hệ Gen Z.

Gắn mác thương hiệu xa xỉ không thể thu hút thế hệ Gen Z
Gắn mác thương hiệu xa xỉ không thể thu hút thế hệ Gen Z

Việc các thương hiệu dựa vào nguồn gốc xuất xứ và di sản trong quá khứ sẽ ngày một lỗi thời với nhóm khách hàng trẻ trong tương lai. Hiện tại, thế hệ Gen Z đánh giá cao giá trị cụ thể và trải nghiệm khác biệt từ thời trang đắt tiền thay vì giá trị lịch sử hay trình độ thủ công. Theo họ, việc một sản phẩm có lịch sử lâu đời vẫn có giá trị nhất định nhưng điều đó phải được định hướng một cách hữu dụng cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp đang tập trung vào yếu tố “di sản” bằng cách bày biện các hình ảnh gợi nhớ quá khứ mà không đưa ra giá trị cụ thể nào. Điều mà các thương hiệu xa xỉ cần làm là tạo ra một câu chuyện thương hiệu độc đáo, thu hút sự quan tâm với khách hàng hiện tại và sự khát khao sở hữu với đối tượng trẻ tiềm năng trong tương lai.

Việc chú tâm vào nhu cầu của Gen Z đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của thương hiệu. Bởi, nếu 20% doanh thu không đến từ khách hàng dưới 25 tuổi thì đồng nghĩa với việc thương hiệu đang gặp nguy cơ trong tương lai. Đơn giản vì khách hàng tiềm năng của thương hiệu không thể tìm thấy sự hòa hợp với sản phẩm và giá trị mà thương hiệu đang muốn chứng minh. Với lợi thế sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên phát triển của mạng xã hội, kỹ thuật số và kết nối toàn cầu, thế hệ Gen Z chính là người viết lại luật chơi cho các ngành hàng xa xỉ.

Thương hiệu Burberry đang thay đổi để tiếp cận khác hàng trẻ
Thương hiệu Burberry đang thay đổi để tiếp cận khác hàng trẻ

Dù vẫn tôn trọng di sản như một yếu tố bền vững, nhưng nhóm khách hàng trẻ ưu tiên tìm kiếm trải nghiệm cá nhân hướng tới giá trị riêng của bản thân và có thể chia sẻ. Những câu chuyện thương hiệu trong quá khứ phải được liên kết với hiện tại để làm giàu thêm vốn sống của chính họ.

Điều này đồng nghĩa với việc thương hiệu cần thay đổi chiến lược để tạo ra sự kết nối. Thay vì “chúng tôi đã tạo ra...” thì câu chuyện nên tập trung vào “với chúng tôi, bạn có thể...” để phản ánh giá trị cốt lõi của thương hiệu với cách nhìn tổng thể nhưng vẫn đem lại giá trị cho người dùng.

Vào năm 2030, Gen Z sẽ là nhóm đứng đầu mua sắm hàng xa xỉ
Vào năm 2030, Gen Z sẽ là nhóm đứng đầu mua sắm hàng xa xỉ

Đương nhiên, câu chuyện phải có tính cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường và tạo được ấn tượng với thế hệ Gen Z. Ngoài tập trung vào thiết kế thời trang thì các thương hiệu xa xỉ cũng cần đầu tư vào trải nghiệm kỹ thuật số. Thói quen chia sẻ và có một cuộc sống trong thế giới ảo đã trở thành xu hướng sống của người trẻ. Khách hàng Gen Z thích sự độc đáo nên sẽ đánh giá cao những thương hiệu quan tâm đến sở thích cá nhân của họ.

Thương hiệu xa xỉ có giá trị cốt lõi, di sản đến từ quá khứ dường như cũng phải “chật vật” với thế hệ Gen Z có nhu cầu mua sắm ngày càng độc đáo. Vậy có hướng đi nào cho các sản phẩm thời trang “made in Vietnam” nói riêng và những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nói chung? Đây chắc chắn là một bài toán khó giải nhưng nhất định phải có câu trả lời trong tương lai, nếu như thương hiệu tại Việt Nam muốn tồn tại và phát triển.

Cùng chuyên mục