Giải công thức 1 (F1) và thời trang cao cấp: Cuộc đua tốc độ trên cả đường đua và sàn diễn
F1 giờ đây không còn đơn thuần là cuộc đua của tốc độ và động cơ mà là đường băng thời thượng - nơi thời trang cao cấp “vào cua” với phong cách táo bạo và chiến lược truyền thông đỉnh cao.
Từ môn thể thao tốc độ đến biểu tượng văn hóa toàn cầu
Kể từ khi được Liberty Media mua lại vào năm 2016, giải đua Công thức 1 (F1) đã có màn “lột xác” ngoạn mục, không chỉ trên đường đua mà còn trong cách tiếp cận văn hóa đại chúng. Mùa giải 2025 là minh chứng rõ ràng cho tham vọng định vị F1 như một nền tảng giải trí toàn cầu – nơi thể thao, thời trang và phong cách sống giao thoa.
Điển hình, sự kiện công bố toàn đội F1 tại O2 Arena, London đầu năm nay được đánh giá là không khác gì một show diễn thời trang cấp quốc tế. Chương trình có 20 tay đua xuất hiện như những siêu sao, đám đông 15.000 khán giả lấp đầy khán phòng và những cú máy quay "tuyệt đối điện ảnh". Đáng chú ý nhất là màn ra mắt của Lewis Hamilton trong màu áo Ferrari – một khoảnh khắc gây bùng nổ truyền thông.
Giờ đây, người ta không còn nhìn F1 như môn thể thao dành riêng cho “dân mê máy móc”. Với lịch thi đấu dày đặc 24 chặng, hệ sinh thái truyền thông 360 độ và dàn tay đua sở hữu hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, F1 hiện là điểm đến hấp dẫn cho các thương hiệu thời trang đang tìm kiếm cách kết nối sâu rộng với thế hệ người tiêu dùng trẻ, có gu và chịu chi.

Thời trang cao cấp “tăng tốc” cùng F1: Sân chơi mới của các nhà mốt
Sự hấp dẫn ngày càng tăng của F1 không chỉ thu hút người hâm mộ mà còn lôi cuốn cả các thương hiệu thời trang xa xỉ. Các nhà mốt vừa tài trợ logo, vừa tham gia sâu vào những trải nghiệm đậm chất thời trang: từ bộ sưu tập giới hạn, chiến dịch hợp tác với tay đua đến sự kiện đồng thương hiệu.
Ferrari là ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này. Dưới sự dẫn dắt của giám đốc sáng tạo Rocco Iannone, hãng xe Ý đã trình làng đến 7 bộ sưu tập tại Tuần lễ Thời trang Milan, từng bước khẳng định tham vọng thời trang thực thụ. Song song, thương hiệu tiếp tục bắt tay với Puma ra mắt các thiết kế mới cho mùa giải 2025. Trong đó, chiếc áo khoác lấy cảm hứng từ triều đại nhà Đường và phiên bản nâng cấp của đôi giày Speedcat là những sản phẩm đặc biệt được Gen Z yêu thích.

Không kém cạnh, McLaren cũng hợp tác với Levi’s để tái định nghĩa denim hay Bugatti từng khai trương cửa hàng thời trang tại London từ hơn 10 năm trước. Riêng Range Rover bắt tay với siêu mẫu Adwoa Aboah ra mắt capsule collection mang dấu ấn cá nhân.
Một bước ngoặt lớn xảy ra đầu năm 2025 khi Louis Vuitton công bố hợp tác chiến lược với F1, đánh dấu lần đầu logo nhà mốt Pháp xuất hiện trên các chặng đua. Những chiếc rương Trophy Trunk do LV chế tác thủ công, xuất hiện trên bục trao giải, đã biến mỗi chiến thắng thành một tuyên ngôn thời trang cao cấp.

Có thể thấy, sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của thời trang trong F1 phản ánh xu hướng tiêu dùng hiện đại: người hâm mộ muốn nhìn thấy bản sắc thương hiệu không chỉ qua sản phẩm, mà qua lối sống, sự hiện diện trên mạng xã hội và những khoảnh khắc có giá trị biểu tượng.
F1 có là tương lai mới của thời trang xa xỉ?
Việc các thương hiệu thời trang cao cấp và xe hơi tìm đến nhau không đơn thuần là cuộc chơi marketing. Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, nhiều hãng xe đang chứng kiến doanh thu lao dốc, như Porsche mất 28% doanh số tại Trung Quốc, BMW giảm lợi nhuận ròng 37%, Bentley tụt mạnh về lợi nhuận... thì thời trang nổi lên như một công cụ chiến lược để duy trì hình ảnh và sự gắn kết với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc bước từ nhà sản xuất xe hơi sang nhà mốt thực thụ là hành trình không dễ dàng. Ferrari dù đầu tư nghiêm túc vẫn chưa nhận được sự công nhận tương xứng từ giới phê bình thời trang. Vấn đề nằm ở chỗ nhiều thương hiệu vẫn quá phụ thuộc vào sức mạnh biểu tượng logo mà chưa thực sự kể được một câu chuyện thời trang độc đáo, thuyết phục và khác biệt.
Để thành công, họ cần vượt qua trào lưu logo, tập trung vào sáng tạo chất liệu, kỹ thuật may đo và câu chuyện thương hiệu... những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị thực sự trong thế giới thời trang cao cấp. F1 không chỉ là nền tảng giải trí – mà còn là “runway” (sàn catwalk) hiện đại cho những thương hiệu dám nghĩ lớn và đầu tư dài hạn.

Cuối cùng, như CEO Stefano Domenicali từng khẳng định: “Formula 1 không chỉ là cuộc đua tốc độ, mà là nền văn hóa sống 365 ngày. Chúng tôi hiện diện trên đường đua, trong thế giới số và cả trong cách bạn chọn mặc mỗi ngày.” Câu nói đó phần nào đã lý giải vì sao F1 đang trở thành điểm đến thời trang đáng gờm nhất trong thế giới xa xỉ.