Chủ nhật, 13/04/2025
logo
Góc nhìn

Đề xuất tước danh hiệu, học hàm học vị… nếu quảng cáo sai sự thật

Tú Uyên (Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh) Thứ năm, 10/04/2025, 15:07 (GMT+7)

Đối với vi phạm quảng cáo sai sự thật, ngoài việc tăng mức phạt hành chính, tùy theo mức độ nghiêm trọng gây ra cho xã hội thì người nghệ sĩ, diễn viên còn có thể bị cấm không được quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào.

Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo: Giải quyết triệt để quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng

Một lời nói quá, lời quảng cáo sai sự thật sẽ ảnh hưởng rất nhiều!

Quảng cáo thông qua người nổi tiếng (KOLs) bên cạnh những hiệu quả mà nó mang lại cho các nhãn hàng, thời gian qua có nhiều KOLs quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Đặc biệt, mới đây cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ việc có dấu hiệu sản xuất hàng giả mà các KOLs đã tham gia quảng cáo.

Đây có phải là một tín hiệu tích cực, góp phần giúp cho môi trường quảng cáo trên mạng xã hội trở nên lành mạnh hơn?. Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên ban soạn thảo dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đã có những bàn luận về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Cảnh tỉnh cho người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

-Thưa ông, vừa qua cơ quan chức năng đã khởi tố một số nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng do có dấu hiệu sản xuất hàng giả. Vụ việc này có tác động như thế nào đối với hoạt động quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hiện nay?

Theo quy định của pháp luật, bất kỳ ai, kể cả người không nổi tiếng nếu quảng cáo sai sự thật đều sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, đối với người có tầm ảnh hưởng, hậu quả gây ra cho xã hội thường lớn hơn.

Trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng và ban hành Nghị định nhằm chế tài các hành vi này.

Đặc biệt, với vụ việc kẹo Kera bị cơ quan chức năng khởi tố, đây là một biện pháp mạnh mẽ để cảnh tỉnh những người nổi tiếng đã quên đi thương hiệu và uy tín cá nhân của mình, đồng thời quên mất trách nhiệm công dân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, vụ việc này mang tính cảnh báo, nhắc nhở các nghệ sĩ cần thượng tôn pháp luật hơn.

- Thưa ông, thời gian qua, tình trạng nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, khiến người tiêu dùng chịu cảnh "tiền mất tật mang" nhưng vì sao quảng cáo sai sự thật vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để?

+ Việc các nhãn hàng mời người nổi tiếng quảng cáo đã xuất hiện trên thế giới từ lâu. Tại Việt Nam, hiện tượng này chỉ thực sự nở rộ trong những năm gần đây nhờ vào tốc độ phát triển của internet và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Vì vậy, khi người tiêu dùng phản ánh và thông tin lan truyền trên mạng xã hội, vấn đề này đã thu hút sự chú ý của dư luận và cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý một cách triệt để.

Trong khi đó, trước đây nếu người tiêu dùng lỡ mua phải hàng hóa kém chất lượng, họ thường không phản ánh lên cơ quan chức năng hoặc trang cá nhân như hiện nay, dẫn đến việc không nhiều người biết đến. Tôi chắc chắn rằng với khí thế đổi mới của đất nước, bất kỳ cá nhân nào có hành vi sai trái đều sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, không riêng gì trong lĩnh vực quảng cáo.

Chi phí cho KOLs quảng cáo lên đến 60%?

- Nhiều ý kiến cho rằng chi phí trả cho các KOLs là rất lớn, trong khi mức chế tài hiện nay còn thấp. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến các KOLs bất chấp để đưa những thông tin sản phẩm không chính xác đến người tiêu dùng hay không, thưa ông?

+ Đúng vậy! Theo quy định hiện hành, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật chỉ từ 60 đến 80 triệu đồng/cá nhân, mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, những đơn vị có ý định quảng cáo sai sự thật sẵn sàng chi trả một số tiền lớn cho KOLs.

Đối với các sản phẩm hàng tiêu dùng như dầu gội, trà giảm cân, thực phẩm chức năng…, tùy thuộc vào từng sản phẩm, các doanh nghiệp có thể chi hoa hồng từ 25%, 40%, thậm chí lên đến 60% để quảng bá những sản phẩm này.

Cách thức bán hàng của các KOLs thường đi theo chuỗi hình tháp, tương tự như bán hàng đa cấp, do đó phần trăm hoa hồng được phân bổ theo các cấp, dẫn đến chi phí quảng cáo có thể lên đến 50-60% là điều bình thường.

- Vậy việc xử phạt đối với KOLs liệu có thật công bằng không, thưa ông?

- Nếu xét về một sản phẩm quảng cáo, chúng ta cần phân tích các thành phần tham gia cấu thành. Đầu tiên là chủ sở hữu nhãn hàng, đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất, nền tảng chuyển tải nội dung quảng cáo và cuối cùng là người trực tiếp truyền tải sản phẩm, chính là các KOLs…Tất cả các thành phần trên đều phải chịu trách nhiệm liên đới.

Chẳng hạn, ngay cả báo đài nếu không duyệt kỹ các nội dung quảng cáo và cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, chắc chắn cũng sẽ bị xử lý. Hiện nay, nhiều người nổi tiếng đang sử dụng các nền tảng xuyên biên giới để quảng cáo, và những nền tảng này đều có chính sách riêng. Vì vậy, cơ quan chức năng của Việt Nam đang làm việc để các nền tảng này cũng tuân thủ theo quy định pháp luật của Việt Nam.

"Thực tế cho thấy có những hành vi quảng cáo sai sự thật không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật mà thuộc về phạm trù đạo đức, do đó việc tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, hình phạt nặng nề nhất đối với người nổi tiếng chính là sự tẩy chay từ công chúng.

Vì vậy, báo chí chính thống đóng vai trò rất lớn trong việc lan tỏa thông tin để không còn tình trạng quảng cáo sai sự thật, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng".

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Tước danh hiệu, học hàm học vị… nếu quảng cáo sai sự thật

- Hiện nay, dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi ) đang được lấy ý kiến đóng góp. Hiệp hội sẽ có những kiến nghị chế tài nào nặng hơn đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, thưa ông?

+ Tôi là thành viên của ban soạn thảo và ngày 15 tháng 4, Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội sẽ mời các chuyên gia góp ý cho dự thảo sau khi đã được sửa đổi lần cuối. Mặt khác, trong các cuộc họp, tôi đều nêu vấn đề này. Nhìn chung, lần này chúng tôi đề xuất có các biện pháp chế tài nặng hơn đối với vi phạm quảng cáo sai sự thật.

Ngoài việc tăng mức phạt hành chính, tùy theo mức độ nghiêm trọng gây ra cho xã hội, người có tầm ảnh hưởng có thể phải đối mặt với các hình thức xử lý bổ sung.

Đối với những người có học hàm học vị như các giáo sư, tiến sĩ… có thể bị tước bỏ học hàm, học vị đã được phong tặng. Các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu như nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân... có thể bị tước danh hiệu để răn đe và tạo hiệu ứng tẩy chay từ xã hội.

Đối với các nghệ sĩ, diễn viên, các biện pháp như cấm biểu diễn, cấm tham gia các dự án phim có thể được áp dụng. Thêm vào đó, họ còn có thể bị cấm không được quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào.

Cuối cùng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét đến khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Để thị trường quảng cáo Việt Nam nói chung và quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng phát triển lành mạnh, bên cạnh những đề xuất chế tài nặng hơn như đã nêu, hiệp hội có khuyến cáo nào đến người tiêu dùng, thưa ông?

+ Người tiêu dùng Việt Nam thường có thói quen là nếu chẳng may mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc bị lừa đảo thì không ai đi kiện. Một phần có thể là do số tiền bị mất không quá lớn, phần khác là do tâm lý e ngại việc kiện tụng kéo dài.

Trong khi đó, ở nước ngoài, nếu người tiêu dùng mua phải sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, họ sẽ kiện nhà sản xuất ngay lập tức. Vì vậy, các cơ quan báo chí chính thống cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng trở nên thông minh hơn.

Nếu người tiêu dùng xem các quảng cáo trôi nổi trên mạng xã hội, trước khi quyết định mua hàng, họ cần kiểm tra kỹ lưỡng thành phần và tham khảo thêm thông tin từ các kênh khác.

Ngoài việc không sử dụng những sản phẩm nghi ngờ, người tiêu dùng cũng cần lên tiếng khi phát hiện những quảng cáo sai trái để thể hiện trách nhiệm của một công dân. Từ đó, tiến tới loại bỏ các quảng cáo sai sự thật ra khỏi xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục