Chủ nhật, 13/04/2025
logo
Tiêu điểm

Siết chặt quản lý các sàn thương mại điện tử, 'gian thương' sắp hết thời lộng hành

PV Thứ năm, 10/04/2025, 06:54 (GMT+7)

Dự thảo Luật Thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tạo ra một "cuộc cách mạng" trong việc quản lý các sàn thương mại điện tử, chấm dứt thời kỳ lộng hành, kiếm tiền từ hàng giả, hàng nhái của những gian thương.

Bán thực phẩm giả trên sàn thương mại điện tử: Đề xuất phạt tù lên tới 10 năm 

'Chiến thần chợ ảo' vi phạm quảng cáo, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử ở đâu?

Thương mại điện tử sẽ không còn là nơi cho các 'gian thương' kiếm bội tiền từ hàng giả, hàng nhái

Chiều ngày 9/4/2025, tại Hội nghị tham vấn chính sách xây dựng Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã công bố những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Với sự đồng thuận cao từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, dự thảo Luật Thương mại điện tử đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một "cuộc cách mạng" trong việc quản lý các sàn thương mại điện tử, chấm dứt thời kỳ "kiếm tiền bẩn" của những "gian thương" lợi dụng kẽ hở pháp luật.

Toàn ảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị tham vấn chính sách xây dựng Luật Thương mại điện tử diễn ra chiều 9/4. (Ảnh: Cấn Dũng)

Thông tin tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong quá trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã xây dựng 5 bộ tài liệu. Cụ thể gồm: Tờ trình đề nghị xây dựng luật; báo cáo đánh giá tác động; báo cáo rà soát chính sách; báo cáo tổng kết thực thi pháp luật hiện hành và báo cáo quy phạm hóa chính sách.

Hồ sơ xây dựng luật đã được công khai lấy ý kiến trên các cổng thông tin điện tử và nhận được phản hồi từ hơn 90 cơ quan, tổ chức, trong đó có 20 bộ, ngành, 63 địa phương cùng nhiều hiệp hội, doanh nghiệp. Các ý kiến đóng góp về cơ bản đều nhất trí với sự cần thiết ban hành riêng một đạo luật về thương mại điện tử và năm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử.

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định 5 chính sách lớn, cụ thể:

Thứ nhất, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Mục tiêu của chính sách nhằm quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực thương mại điện tử và đảm bảo hài hòa với các luật khác hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thứ hai, quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các chủ thể tham gia; đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thứ ba, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử nhằm tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử; tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với các nền tảng thương mại điện tử.

Thứ tư, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại với mục tiêu đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy; nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.

Thứ năm, quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Ngày 4/4/2025, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung xây dựng Luật Thương mại điện tử vào chương trình lập pháp Quốc hội năm 2025. Cơ quan này cũng đề xuất trình Quốc hội thông qua dự thảo luật vào tháng 10/2025.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục