Thứ ba, 08/04/2025
logo
Góc nhìn

'Chiến thần chợ ảo' vi phạm quảng cáo, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử ở đâu?

PV Thứ ba, 08/04/2025, 06:20 (GMT+7)

Tình trạng KOL/KOC quảng cáo sai sự thật diễn ra ngày càng phổ biến trên các sàn giao dịch điện tử. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các nền tảng này trong việc kiểm soát nội dung và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 

Thương mại điện tử sẽ không còn là nơi cho các 'gian thương' kiếm bội tiền từ hàng giả, hàng nhái

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định như thế nào về trách nhiệm của nền tảng số?

Trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử 

Thời gian gần đây, hàng loạt cái tên nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng nhiều KOLs khác liên tục bị réo gọi vì các vi phạm liên quan đến quảng cáo. Từ những lời quảng cáo phóng đại, thiếu căn cứ đến việc "thần thánh hóa" công dụng sản phẩm, các "chiến thần" livestream đã thành công đẩy người tiêu dùng vào thế hoang mang. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn đang đau đầu tìm cách quản lý hiệu quả.

Tuy nhiên, phía sàn thương mại điện tử - nơi cung cấp 'chợ ảo' cho người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng bán hàng và hưởng phần trăm doanh thu vẫn chưa có động thái quyết liệt, chấn chỉnh dứt điểm các vi phạm này. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của nền tảng trong việc kiểm soát nội dung và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 

Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam vì sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng
Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam vì sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng

Theo tìm hiểu, những phiên livestream doanh thu từ vài tỷ đến trăm tỷ đồng sẽ mang lại nguồn thu đáng cho các sàn thương mại điện tử. Các sàn đều có chính sách thu phí nhất định với giao dịch thực hiện hành công hoặc phát sinh.

Cụ thể, các loại phí cơ bản bao gồm phí cố định, phí thanh toán và phí cho các gói miễn phí vận chuyển. Từ ngày 1/4/2025, một số sàn đã điều chỉnh tăng phí, khiến tổng mức phí mà người bán phải trả dao động từ 6,5% đến 15%, tùy thuộc vào mặt hàng. Mức phí này thường được tính dựa trên giá trị mỗi đơn hàng hoàn tất.

Các sàn thương mại điện tử khẳng định họ quản lý việc đăng tải sản phẩm của nhà bán hàng và duy trì đội ngũ chuyên trách để thực thi chính sách, áp dụng các biện pháp như gỡ bỏ sản phẩm, tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà bán hàng vi phạm, tùy trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng chính là nơi "hồi sinh", "tẩy trắng" cho các "chiến thần". Trong năm 2024 vừa qua, một "chiến thần" livestream bị cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng và phát hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc. Sau đó, "chiến thần" này vẫn tiếp tục livestream thường xuyên trên các chợ online, theo báo Người Lao động.

Luật hóa trách nhiệm và cơ chế giám sát chặt chẽ hơn

Theo Luật sư Trần Việt Thanh, Văn phòng luật sư Indochina, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và cơ chế giám sát hiệu quả là cần thiết để quản lý nội dung quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google và TikTok gỡ bỏ gần 16.000 nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc có một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 147, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, yêu cầu người dùng mạng xã hội phải xác minh danh tính và các nền tảng phải cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

Go big or go home: Signs of consolidation in Southeast Asia e-commerce
Cần luật hóa trách nhiệm và cơ chế giám sát chặt chẽ hơn trên sàn thương mại điện tử.

"Việc thực thi các quy định này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng mạng xã hội và cộng đồng người dùng. Các nền tảng cần chủ động hơn trong việc kiểm duyệt nội dung, thiết lập hệ thống cảnh báo tự động cho các từ khóa nhạy cảm và tăng cường nhân sự kiểm duyệt nội dung bản địa.

Người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin và chủ động báo cáo những nội dung vi phạm. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo sai sự thật.

Việc KOL quảng cáo sai sự thật không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn phản ánh lỗ hổng trong hệ thống kiểm duyệt và quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Đã đến lúc Google, Facebook, YouTube và TikTok phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, phối hợp với cơ quan chức năng và cộng đồng để xây dựng môi trường mạng minh bạch, an toàn và đáng tin cậy", Luật sư Trần Việt Thanh cho hay.

Nhằm cập nhật các quy định mới, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số và giải quyết các vấn đề mới nổi trong ngành quảng cáo, Việt Nam đang xem xét sửa đổi Luật Quảng cáo 2012. Theo đó, Dự thảo Luật Quảng cáo đã bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến trách nhiệm của nền tảng số trong hoạt động quảng cáo trực tuyến. Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục