Chất sorbitol có trong kẹo Kera tác dụng nhuận tràng, sử dụng bao nhiêu là phù hợp?
Sorbitol là một loại đường thay thế (đường polyol) thường dùng trong thực phẩm dành cho người ăn kiêng, người tiểu đường hoặc trong các sản phẩm không đường như kẹo cao su, bánh, kem đánh răng. Khi tiêu thụ quá mức, đặc biệt trên 50g mỗi ngày, sorbitol có thể gây nhuận tràng, rối loạn tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và mất cân bằng đường ruột.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã công bố kết quả kiểm nghiệm đối với kẹo rau củ Kera, sản phẩm này có chứa chất tạo ngọt sorbitol với hàm lượng 33,4g/100g. Tuy nhiên, thành phần này lại không được ghi trên nhãn sản phẩm như quy định.
Điều đáng nói, bộ ba “Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục & hoa hậu Thùy Tiên” quảng cáo kẹo rau củ Kera gây nhầm lẫn là chất xơ đóng vai chính trong kẹo Kera, nhưng hóa ra chất sorbitol mới chính là thành phần tạo nên hiệu quả của sản phẩm “chống táo bón” Kera.
Tuy nhiên, sử dụng sorbitol để chống táo bón chỉ nên là phương pháp “tạm thời” vì nếu sử dụng sorbitol hoặc bất kỳ loại thuốc nhuận tràng nào quá thường xuyên, cơ thể có thể trở nên phụ thuộc vào chúng để duy trì chức năng ruột bình thường.
Điều này có thể dẫn đến táo bón mãn tính hoặc giảm khả năng tự nhiên của ruột để thải chất thải. Ngoài ra, tác dụng phụ của nó có thể gây ra các vấn đề về mất nước cơ thể, mất cân bằng điện giải, tổn thương ruột, và giảm nhu động ruột.
Có được phép sử dụng trong thực phẩm hay không?
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sorbitol là một hợp chất hữu cơ thuộc loại rượu đường có công thức hóa học C6H14O6.
Sorbitol có dạng lỏng màu trắng, không mùi, với vị ngọt và tan hoàn toàn trong nước, rượu, thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm. Nó còn có tác dụng tạo độ bóng và giữ độ ẩm cho thực phẩm.

Trong tự nhiên chất này thường được tách chiết trong các loại trái cây và rau như: ngô, bí ngô, quả táo, quả lê, quả dâu rừng, đào, mận khô…
Tại Việt Nam, sorbitol được xem là phụ gia thực phẩm phổ biến nhất hiện nay. Đây là chất thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm với liều lượng cho phép.
Do sorbitol có vị ngọt giống khoảng 60% đường mía với vị ngọt mát, có thể cho thêm vào trong bánh kẹo, thực phẩm và bánh sô cô la để tránh thực phẩm bị khô và cứng bằng độ ẩm với khả năng ổn định tốt.
Một đặc điểm nổi bật của sorbitol là chất ngọt nhưng hấp thu chậm, do đó không làm tăng lượng insulin như đường, sẽ không gây sâu răng, sử dụng trong bánh kẹo ít calo và trong rất nhiều thực phẩm khác và còn được dùng để giải độc gan, tẩy trắng thịt, cá trong chế biến...
Ngoài tác dụng làm chất thay thế chất ngọt, vị đường trong thực phẩm giảm lượng đường, sorbitol còn được sử dụng làm chất giữ ẩm trong bánh quy và thực phẩm có độ ẩm thấp như trái cây và bơ đậu phộng bảo quản. Trong bánh nướng, hóa chất này cũng có tác dụng vì hoạt động như một chất dẻo và làm chậm quá trình đốt cháy.
Đặc biệt, sorbitol có thể sử dụng như thuốc nhuận tràng, thuốc bổ hoặc được sử dụng làm tá dược trong sản xuất thuốc chứa vitamin C và các loại thuốc uống viên.

Chất này được chứng nhận là an toàn cho người già sử dụng, dù nó không được khuyến cáo nếu không có lời khuyên của bác sĩ.
Liều lượng sử dụng sorbitol an toàn
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Mức sử dụng hàng ngày chấp nhận được (ADI - Acceptable Daily Intake): Không giới hạn cụ thể, tuy nhiên cần hạn chế dưới 20g/ngày để tránh tác dụng phụ (như tiêu chảy, đầy hơi).
Nếu tiêu thụ quá 20-50g/ngày, một số người có thể gặp phải: Đầy bụng, chướng hơi. Tiêu chảy (sorbitol có tác dụng nhuận tràng). Đau bụng nhẹ. Trẻ em và người có hệ tiêu hóa nhạy cảm nên dùng lượng thấp hơn. Với người có vấn đề về tiêu hóa (như hội chứng ruột kích thích - IBS), nên tránh hoặc hạn chế sử dụng sorbitol.
Vì vậy, FDA khuyến cáo người tiêu dùng cần đọc kỹ thành phần trên nhãn sản phẩm, kiểm soát lượng sorbitol nạp vào và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế nếu có dấu hiệu bất thường.