Tiktoker 'quay xe' xin lỗi vụ ồn ào kẹo rau củ Kera: Luật sư khuyến cáo hệ lụy khó lường khi tự ý công bố kết quả kiểm nghiệm
Pháp luật không cấm cá nhân mang sản phẩm đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, việc công bố thông tin thiếu kiểm chứng, không đầy đủ và không tuân thủ quy trình có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.
'Sư tử ăn chay' quay xe, xin lỗi?
Sau khi Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog bị khởi tố, cái tên Sư Tử Ăn Chay (tên thật là Quách Thanh Lâm, sinh năm 1999, TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ bị cộng đồng mạng réo gọi với nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng chính nam Tiktoker này đã "khơi mào" vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo rau Kera, góp phần đẩy Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục vào tình thế bị điều tra, khởi tố.
Trước áp lực dư luận, tối 7/4, Tiktoker này đã đăng tải video xin lỗi, thừa nhận sai sót khi tự ý mang kẹo rau Kera đi kiểm định và công bố kết quả trên mạng xã hội. Trong video, anh bày tỏ sự hối lỗi vì đã không tuân thủ đúng quy trình, đồng thời gửi lời xin lỗi đến những người bị ảnh hưởng bởi hành động của mình.

Theo nam Tiktoker, việc tự ý kiểm định và công bố kết quả có thể gây rủi ro pháp lý. Bởi theo Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010, việc kiểm nghiệm thực phẩm phải được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân liên quan hoặc phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Anh cũng nhấn mạnh bản thân đã chọn kiểm định tại một cơ quan nhà nước uy tín và trong video kiểm định, anh chỉ đặt câu hỏi chứ không đưa ra kết luận.
"Trong video kiểm định mình đã đăng tải lên TikTok thì mình không dám kết luận một điều gì hết mà chỉ dừng ở mức đặt câu hỏi: Đây có phải là con số cuối cùng hay không? Đúng hay không đúng thì sẽ như thế nào? Mình cũng rất mong nhãn hàng sẽ cung cấp những thông tin đúng để người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm.
Ngay cả khi có những điều hướng gây tranh cãi thì mình cũng không tham gia và cũng không kết luận điều gì hết vì mình hiểu chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận thôi", Tiktoker này khẳng định.
Được biết, Sư Tử Ăn Chay là người đầu tiên đặt nghi vấn về chất lượng của kẹo rau củ Kera do Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog quảng cáo, với những video "bóc tách" và kiểm định sản phẩm. Kết quả kiểm định của nam Tiktoker cho thấy, lượng chất xơ trong cả hộp 30 viên chỉ có 0,51 gram, khác xa so với quảng cáo.
Kết quả này đã gây ra tranh cãi lớn khi đơn vị sản xuất kẹo Kera cũng công bố kết quả kiểm định tại Trung tâm Kiểm nghiệm và Tư vấn Ứng dụng Khoa học Avatek, với con số cao gấp 12,5 lần so với kết quả của nam Tiktoker. Điều này khiến người tiêu dùng hoài nghi về độ minh bạch của cả hai bên.

Cẩn trọng khi đưa kết quả kiểm nghiệm lên mạng xã hội
Hành động xin lỗi của Sư Tử Ăn Chay không chỉ xuất phát từ áp lực dư luận mà còn cho thấy anh đã ý thức được phần nào những hệ quả pháp lý từ việc làm của mình. Sự việc này cũng đặt ra câu hỏi về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng khi nghi ngờ chất lượng sản phẩm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đăng Thái - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, việc Tiktoker Sư Tử Ăn Chay công bố kết quả kiểm nghiệm đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, thậm chí gây hiểu lầm về chất lượng sản phẩm khi chưa có kết luận từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.
"Việc chia sẻ, lan truyền những thông tin như vậy trên mạng xã hội nếu không được thực hiện một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện sẽ có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý cho người đăng tải thông tin. Bản thân Tiktoker này cũng tự nhận lỗi đã làm sai quy trình khi tự ý mang kẹo đi kiểm định, công bố kết quả. Đây có thể là lý do anh ta lên tiếng xin lỗi, đồng thời khuyến cáo người khác không nên làm theo", luật sư lý giải.

Luật sư phân tích, theo khoản 1 Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010, việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện trong trường hợp có yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Trong trường hợp phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, việc kiểm nghiệm được thực hiện tại cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định.
Như vậy, việc yêu cầu kiểm nghiệm thực phẩm có thể được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về tổ chức, cá nhân khác có liên quan là những tổ chức, cá nhân nào; đồng thời cũng không có quy định cấm một cá nhân mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng.
Cũng theo luật sư, người tiêu dùng cần hiểu rằng kết quả kiểm nghiệm chỉ có giá trị với mẫu thử cụ thể, không đại diện cho toàn bộ sản phẩm đang lưu hành. Việc công khai kết quả kiểm nghiệm không theo quy trình, không có sự giám sát và chưa được cơ quan chức năng xác nhận có thể bị lan truyền như thông tin chính thức. Điều này dễ gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến người tiêu dùng khác.
"Thay vì tự ý kiểm nghiệm và công bố, người tiêu dùng nên tuân thủ quy trình pháp lý. Khi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng nên trình báo hoặc khiếu nại đến cơ quan chức năng như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương, cơ quan quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền sẽ lấy mẫu, kiểm nghiệm và đưa ra kết luận chính thức", luật sư khuyến cáo.
Sự việc của Sư Tử Ăn Chay là một hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng mạng xã hội để công bố thông tin nhạy cảm. Dù có thể xuất phát từ ý định tốt, hành động thiếu cân nhắc của anh đã vô tình tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực, làm tổn hại đến hình ảnh doanh nghiệp và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Qua đây, có thể thấy, quyền tự do ngôn luận và quyền bảo vệ lợi ích cá nhân cần đi đôi với trách nhiệm xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thông tin lan truyền nhanh chóng như hiện nay.
"Dù với mục đích cảnh báo, người tiêu dùng cũng cần tôn trọng quy trình kiểm chứng thông tin. Việc đưa tin thiếu kiểm duyệt, chưa xác minh toàn diện, thậm chí mang tính khẳng định như một 'bản án', là hành vi phiến diện, dễ gây kích động và mất kiểm soát thông tin. Để bảo vệ quyền lợi của mình và cộng đồng, cách tốt nhất là phối hợp với cơ quan chức năng thay vì tự mình hành động", luật sư Nguyễn Đăng Thái nhấn mạnh.