Chủ nhật, 13/04/2025
logo
Góc nhìn

Chính sách thuế quan biến động: Chuyên gia 'hiến kế' giúp doanh nghiệp trụ vững nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả

Hồng Phúc Thứ năm, 10/04/2025, 10:02 (GMT+7)

Theo chuyên gia marketing Thêu Triệu, đây là bài học đắt giá để các doanh nghiệp cần nhìn lại chiến lược kinh doanh của mình, tìm kiếm giải pháp dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Mỹ áp thuế 46% lên Việt Nam, ngành quảng cáo có bị ảnh hưởng?

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%

Doanh nghiệp chao đảo vì biến động thuế quan

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Trump tuyên bố áp đặt mức thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, với lý do nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Quyết định này đã gây lo ngại sâu sắc cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử và thủy sản phải chịu mức thuế đối ứng lên tới 46% - một con số chưa từng có trong lịch sử quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. 

Tuy nhiên đến chiều 9/4 theo giờ Washington (tức rạng sáng 10/4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm thuế còn 10% đối với hơn 70 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. 

Chính sách thuế quan mới của Mỹ
Chính sách áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ sẽ tạm dừng thêm 90 ngày.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ áp thuế cao lên Việt Nam, nếu xảy ra, sẽ là cú sốc lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi Mỹ chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Các ngành chủ lực vốn phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ đang đứng trước nguy cơ sụt giảm đơn hàng, kéo theo hàng loạt hệ lụy về lợi nhuận, chi phí sản xuất và thậm chí là nguy cơ cắt giảm quy mô hoặc đóng cửa doanh nghiệp. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu, quyết định này còn đe dọa sinh kế của hàng triệu người lao động và gây áp lực lớn lên nền kinh tế quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Thêu Triệu (NCS Tiến sĩ Kinh tế và Quản lý, đồng thời là cố vấn chiến lược marketing cho các doanh nghiệp SME) đã có những bình luận.

Theo vị chuyên gia này, mức thuế 46% khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt, làm suy giảm đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao đao do phụ thuộc vào thị trường Mỹ có nguy cơ bị giảm lợi nhuận, tăng chi phí sản xuất, thậm chí phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc đóng cửa. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà còn gây hệ lụy lớn đến người lao động và nền kinh tế quốc gia.

Không chỉ vậy, sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường xuất khẩu duy nhất khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ rơi vào thế bị động khi chính sách thương mại thay đổi. Đây là bài học đắt giá để các doanh nghiệp nhìn lại chiến lược kinh doanh của mình, tìm kiếm giải pháp dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai. 

"Sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường duy nhất như Mỹ chính là 'tử huyệt' của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Khi thị trường này đóng cửa hoặc áp dụng các rào cản thương mại, doanh nghiệp không có phương án thay thế sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đa dạng hóa thị trường và chuẩn bị các kịch bản để ứng phó", chuyên gia nhấn mạnh. 

Làm gì để trụ vững trong bối cảnh thương mại biến động?

Theo chuyên gia Thêu Triệu, để trụ vững trong bối cảnh thương mại biến động, doanh nghiệp cần giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách mở rộng sang các khu vực tiềm năng khác như EU và ASEAN. 

Khi nghiên cứu thị trường mới, doanh nghiệp cần ưu tiên làm rõ các yếu tố nền tảng của hoạt động kinh doanh trước tiên. Cụ thể, cần giải đáp các câu hỏi quan trọng: Mục tiêu kinh doanh là gì? Doanh nghiệp sẽ tập trung cạnh tranh ở phân khúc nào? Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường đó là gì? (ví dụ: mô hình kinh doanh, giá trị độc đáo, nguồn lực chủ chốt, hoặc các hoạt động cốt lõi…).

Sau khi đã xác định rõ định hướng và chiến lược kinh doanh, bộ phận marketing sẽ bắt đầu triển khai các bước tiếp theo, bao gồm: nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng, lựa chọn đối tượng mục tiêu và định vị thương hiệu (STP). Từ đó, doanh nghiệp điều chỉnh các yếu tố 4P (Product, Price, Place, Promotion) để phù hợp với nhu cầu và văn hóa địa phương.

anh2-1404
Theo chuyên gia Thêu Triệu, sự kết nối chặt chẽ giữa kinh doanh và marketing là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng. 

Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng là một “cứu cánh” tiềm năng mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua. Doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, từ việc cải tiến bao bì, định giá hợp lý đến triển khai các chiến dịch quảng bá nhấn mạnh giá trị địa phương. Điều này không chỉ giúp giảm rủi ro từ biến động thương mại quốc tế mà còn tạo ra nguồn doanh thu ổn định, bền vững.

Chuyên gia nhấn mạnh, chiến lược kinh doanh đóng vai trò là kim chỉ nam định hướng mục tiêu lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, marketing là công cụ hiện thực hóa các mục tiêu thông qua tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Vì vậy, kinh doanh cần mở rộng tầm nhìn và chuẩn bị các phương án dự phòng, còn marketing phải triển khai kế hoạch cụ thể để đưa sản phẩm đến tay khách hàng. 

"Với các tập đoàn lớn, hai bộ phận này thường do các đội ngũ chuyên trách đảm nhiệm. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn chiếm phần lớn tại Việt Nam, CEO hoặc chủ doanh nghiệp thường phải kiêm luôn vai trò định hướng chiến lược. Trong trường hợp này, marketing cần bám sát tầm nhìn của lãnh đạo để xây dựng kế hoạch phù hợp", chuyên gia nói thêm. 

Chuyên gia cảnh báo, nếu chiến lược kinh doanh thiếu rõ ràng, marketing sẽ mất phương hướng và trở nên kém hiệu quả. “Trong bối cảnh hiện tại, sự kết nối chặt chẽ giữa kinh doanh và marketing là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng. Doanh nghiệp nào hành động nhanh và thích nghi tốt sẽ không chỉ trụ vững mà còn có cơ hội bứt phá trong giai đoạn khó khăn này”, chuyên gia khẳng định.

Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục