Thứ ba, 22/04/2025
logo
Góc nhìn

Mỹ áp thuế 46% lên Việt Nam, ngành quảng cáo có bị ảnh hưởng?

Hồng Phúc Thứ sáu, 04/04/2025, 14:36 (GMT+7)

Việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa từ các nước đã và đang ảnh hưởng nhiều chiều đến nền kinh tế Việt Nam. Với ngành quảng cáo, các doanh nghiệp liệu có bị ảnh hưởng bởi chính sách này?

Ngày 2/4/2025, Mỹ chính thức công bố mức thuế suất lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Mức thuế này áp dụng đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhằm đối ứng với chính sách thương mại của Mỹ. Đây là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi Mỹ chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ và điện tử đang đối mặt với nguy cơ giảm đơn hàng nghiêm trọng.

nganh-truyen-thong-thay-gi-tu-nhung-drama-trieu-view-cua-viruss-pham-thoai-3
Ngày 2/4/2025, Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ngành quảng cáo liệu có bị ảnh hưởng?

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp quảng cáo cũng bày tỏ lo lắng về các tác động theo sau của chính sách này. Liên quan đến vấn Mỹ áp thuế 46% lên Việt Nam, chuyên gia Phạm Ngọc Linh - Giám đốc điều hành Công ty Quảng cáo ngoài trời tích hợp Unique (Unique OOH), Phó Chủ tịch CLB Tiếp thị & Truyền thông Việt Nam (VMCC) đã có những chia sẻ. 

Chuyên gia Phạm Ngọc Linh cho biết, nhiều người lo ngại rằng các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực may mắn, giày dép và điện tử sẽ chịu tổn thất nặng nề do thuế tăng, dẫn đến việc cắt giảm ngân sách quảng cáo. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các chiến dịch truyền thông như quảng cáo ngoài trời, TV hay digital marketing. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn vậy.

Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là những đơn vị gia công (ODM/OEM) không đầu tư nhiều vào quảng cáo tại thị trường nội địa. Họ chủ yếu sản xuất dưới thương hiệu đối tác nước ngoài và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhóm doanh nghiệp này ít chi tiền cho hoạt động truyền thông và quảng cáo tại Việt Nam, có chăng cũng chỉ là lác đác quảng cáo tại sân bay hoặc đường cao tốc để khẳng định vị thế cho đối tác nước ngoài thấy thôi, nhưng phần nhiều là họ không quảng cáo, chẳng truyền thông.

Vậy nên, tác động trực tiếp từ nhóm này lên ngành truyền thông có lẽ không quá đáng ngại. Ngược lại, chính sách thuế này có thể sẽ mở ra những cơ hội bất ngờ. Khi thị trường xuất nhập khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa. 

Tuy nhiên, ngành truyền thông sẽ đối mặt với áp lực lớn khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng dây chuyền từ chính sách thuế. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao, tác động domino có thể lan sang các ngành khác như tiêu dùng nhanh (FMCG), bán lẻ, hay bất động sản - những lĩnh vực vốn chi mạnh cho quảng cáo. Khi sức mua giảm, niềm tin tiêu dùng lao dốc, ngân sách truyền thông chắc chắn bị siết chặt. 

Đây cũng là lúc các công ty quảng cáo có thể tỏa sáng bằng cách đưa ra các gói dịch vụ linh hoạt, tối ưu chi phí, hoặc giảm giá để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Với ngân sách hạn hẹp từ khách hàng, các công ty truyền thông buộc phải “vắt óc” để tạo ra những chiến dịch vừa hiệu quả vừa tiết kiệm. Tối ưu hóa các kênh như quảng cáo ngoài trời, digital marketing, hay mạng xã hội sẽ trở thành yếu tố sống còn. Đây là thử thách, nhưng cũng là cơ hội để ngành truyền thông chứng minh năng lực sáng tạo và khả năng thích nghi trong thời kỳ khó khăn.

Nhìn xa hơn, việc Mỹ áp thuế 46% có thể mở ra cơ hội dài hạn cho ngành truyền thông Việt Nam. Khi thị trường nội địa trở thành “sân nhà” quan trọng hơn bao giờ hết, các công ty có thể xây dựng những chiến lược quảng cáo bền vững, tập trung vào giá trị thực tế và hiệu quả lâu dài. Đây là thời điểm để ngành truyền thông định hình lại vai trò của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển. 

"Điều đáng sợ nhất không phải là tác động trực tiếp từ các doanh nghiệp xuất khẩu, mà là hiệu ứng domino lên toàn nền kinh tế. Nếu sức mua giảm mạnh, lao động mất việc, tiền tệ khan hiếm, các ngành phụ thuộc nhiều vào quảng cáo như FMCG, bán lẻ, hay bất động sản sẽ co cụm. Khi đó, thị trường có thể chứng kiến bất động sản đóng băng, chứng khoán lao dốc, còn các “trò chơi” như tiền số lại trỗi dậy, kéo theo những hệ lụy khó lường", chuyên gia nhấn mạnh.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục