Thứ ba, 19/09/2023, 16:12 (GMT+7)

Chiếm đoạt Facebook, Zalo lừa đảo chuyển tiền, chiêu thức cũ nhưng vẫn nhiều người dính bẫy

Chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo rồi giả mạo để lừa đảo chuyển tiền là chiêu thức quá cũ, xuất hiện ở nước ta nhiều năm nay. Thế nhưng đến bây giờ vẫn còn nhiều người dính bẫy, mất tiền vì chiêu thức này.

Lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Phòng An ninh mạng và phòng chống tối phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cho biết chỉ trong tháng 9/2023 đã liên tiếp nhận được trình báo của người dân về việc bị chiếm đoạt tài sản từ thủ đoạn nêu trên. Đáng lo ngại là hiện nay số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt rất lớn, từ 200 – 500 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ mất khoảng 20 – 50 triệu đồng.

lừa đảo qua mạng
Chiêu trò lừa đảo này dù không còn cũ nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy (Ảnh minh hoạ)

Mới đây, cơ quan này nhận được đơn trình báo của chị H. bị lừa 400 triệu đồng do kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản Facebook cá nhân. Trong đơn trình báo chị H. nói nhận được tin nhắn từ tài khoản của con gái đang học ở nước ngoài với nội dung chuyển tiền đóng học phí. Không chút nghi ngờ, chị H. chuyển tiền 3 lần tất cả hơn 400 triệu. Thế nhưng mỗi lần chuyển tiền, chị gọi cho con gái nhưng chẳng thấy lời đáp mà chỉ thấy máy kêu “ù ù”. Lát sau tài khoản này nhắn lại cho chị H. với nội dung máy bị rơi không nghe rõ, cứ nhắn tin là được.

Sau này khi gọi điện được cho con, chị H. mới tá hỏa khi biết Facebook của con đã bị kẻ xấu đánh cắp. Do đó chị đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Có thể thấy rõ việc chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp để vay tiền là chiêu thức lừa đảo không hề mới, nó đã xuất từ nhiều năm nay nhưng nạn nhân vẫn sập bẫy liên tục.

Có thể bị tù chung thân

Khi nhận được tin nhắn đề nghị vay mượn, chuyển tiền qua các nền tảng mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) đề nghị người dân xác minh lại thông tin bằng việc gọi điện trực tiếp cho người hỏi vay tiền bằng số đã lưu trong danh bạ, không nên kiểm tra thông tin qua Zalo, Facebook. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cơ cơ quan công an.

Có thể bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với hành vi hack Facebook, Zalo người khác với mục đích lừa đảo, tùy vào số tiền chiếm đoạt cũng như các tình tiến khác liên quan đến hành vi mà mức phạt sẽ từ 12 - 20 năm tù giam hoặc tù chung thân.

Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Theo Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ–CP, hành vi "bẻ khóa", trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng thì người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.

bi_cao-1687511135609
Phụng (bìa trái) và Việt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 6/2023

Trước đó cuối tháng 6/2023, TAND Thừa Thiên-Huế đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với Lê Thanh Phụng (20 tuổi) và Hồ Xuân Quốc Việt (26 tuổi, cùng ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) với các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, tháng 3/2021, Phụng chiếm đoạt tài khoản Facebook của người khác rồi mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin, liên lạc với người thân của họ để vay tiền, chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về nước hoặc giả vờ ủng hộ tiền làm từ thiện bằng cách liên lạc với các tu sĩ tại các dòng Thánh để chiếm đoạt tiền.

Phụng tạo một đường link  do mình tự thiết kế trên mạng với tên miền “nhantienkieuhoi-online247.weebly.com”, sau đó thông qua ứng dụng Messenger, đối tượng đã nhắn đường link cho các tài khoản Facebook. Khi có người truy cập, điền thông tin cá nhân vào đường link, Phụng lập tức có thông tin và chiếm quyền kiểm soát các tài khoản này. Tiếp theo, đối tượng nhắn tin với người thân, bạn bè của chủ tài khoản qua mạng xã hội để tiến hành lừa đảo.

Chiếm được tiền, Phụng cùng Việt đã “rửa tiền” bằng cách mua, bán điểm game trên internet rồi chuyển thành tiền Việt Nam đồng và tiêu sài. Từ hành vi phạm tội, Phụng thu lợi 280 triệu còn Việt là 150 triệu. Với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Lê Thanh Phụng bị kêt án 6 tháng tù, với tội “Rừa tiền” đối tượng này lĩnh án 6 năm tù và 7 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Như vậy tổng mức hình phạt của Phụng là 14 năm tù. Đối tượng Hồ Xuân Quốc Việt bị xử phạt 6 năm về tội “Rửa tiền”. Bên cạnh đó, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế còn buộc các bị cáo phải nộp phạt bổ sung 7-8 triệu đồng, và liên đới bồi thường thiệt hại cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Cùng chuyên mục