Cẩn trọng với các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc được quảng cáo, chào mời trên mạng
Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, ngày 21/8 Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện bắt giữ hơn 4500 chiếc bánh trung thu nhập lậu.
Bánh trung thu nhãn mác nhập nhằng
Còn hơn tháng nữa mới tới Tết Trung thu, thế nhưng bánh trung thu đã “xuống phố”, được quảng cáo và bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, bánh trung thu cũng trở thành món ăn được nhiều người tìm kiếm.
Những năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh trung thu chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, gây khó khăn cho công tác quản lý và sức khỏe người tiêu dùng. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, thu giữ nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng bánh trung thu trôi nổi vẫn len lỏi vào đời sống của người dân.
Những ngày qua, tại các khu chợ truyền thông ở Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo, hoa quả đã bày bán nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo khác nhau để phục vụ khách hàng. Các loại bánh trung thu này có mẫu mã đa dạng, hình thức đẹp, bắt mắt, giá từ vài chục cho tới vài trăm, thậm chí là cả triệu cho một hộp bánh 2, 4 hoặc 6 chiếc.
Tại đây, nhiều chủ hàng còn mời khách các loại bánh trung thu được đóng gói trong các túi nilon chằng chịt chữ Trung Quốc. Theo tìm hiểu, bánh trung thu Trung Quốc được nhập theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc, nhãn mác, hạn sử dụng. Đa phần các loại bánh này được đóng gói, bảo quản khá sơ sài, ảnh hưởng tới vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều loại bánh Trung thu mini, bánh trứng chảy cũng được quảng cáo nhập từ Đài Loan nhưng trên bao bì không thấy hạn sử dụng. Loại bánh này được bán nhiều trên các nền tảng mạng xã hội cũng như sàn thương mại điện tử. Giá mỗi chiếc bánh từ 25.000 đến 4.000 đồng.
Đã từng thử qua nhiều loại bánh trung thu khác nhau, bà Lê Thị Thúy (Phúc Thọ, Hà Nội) cho rằng cá nhân bà thấy bánh trung thu có thương hiệu vẫn mang lại cảm giác an tâm hơn. Bởi các loại bánh này có thông tin rõ ràng của sản phẩm, đã được cấp phép và kiểm định chất lượng.
Càng gần tới Trung thu, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bài quảng cáo, kinh doanh bánh trung thu với nhiều chủng loại. Bên cạnh các loại bánh thương hiệu, bánh Trung Quốc thì bánh trung thu handmade cũng được nhiều khách hàng chọn lựa. Những loại bánh này có ưu điểm là có thể làm được nhiều kích cỡ, nhiều loại nhân, vỏ bánh, màu sắc khác nhau. Thêm nữa loại bánh này cũng khá rẻ, khoảng 15.000 – 50.000 đồng mỗi chiếc và được quảng cáo không sử dụng chất bảo quản nên rất an toàn.
Phát hiện hàng nghìn chiếc bánh trung thu nhập lậu
Như đã thông tin ở những bài viết trước, bánh trung thu handmade có nhiều ưu điểm nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi thực tế cho thấy rất nhiều cơ sở làm bánh không tự chuẩn bị nguyên liệu mà nhập nguyên liệu có sẵn từ nơi khác về làm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Những ngày qua, trên mạng xã hội bàn tán khá nhiều về thông tin lớp học làm bánh trung thu handmade. Điều đáng chú ý là lớp học này được quảng cáo làm bánh sạch không chất bảo quản vẫn để được 45 ngày. Học phí có giá 19 triệu đồng. Tuy nhiên sau hơn chục ngày, bánh trung thu do cô giáo này làm ra lần lượt mốc xanh mốc đỏ. Giáo viên xóa nhóm lớp, từ chối trách nhiệm và giải thích không đúng trọng tâm. Điều này cho thấy việc đặt niềm tin vào bánh trung thu handmade cần phải xem xét lại. Cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán cũng như nguồn gốc hàng hóa.
Ngày 21/8, khi tiến hành triểm tra địa điểm kinh doanh hàng số tại số 9, đường Thụy Phương (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an Q. Bắc Từ Liêm phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này kinh doanh 4.608 bánh trung thu nhãn hiệu bibizan là hàng hóa nước ngoài sản xuất. Với số bánh này, cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.
Nhằm ngăn chặn hiện tượng buôn bán bánh trung thu nhập lậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Trần Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm.
Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra các cá nhân, tổ chức, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu bánh trung thu, bánh kẹo trên địa bàn Hà Nội. Kiểm tra các các nhân, tổ chức kinh doanh phụ gia thực phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, bao bì liên quan đến bánh trung thu.
Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra sản phẩm bánh trung thu và nguyên liệu, bao bì được sản xuất tại các làng nghề truyền thống thuộc huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Q. Bắc Từ Liêm, các nhà hàng, khách sạn sản xuất và kinh doanh bánh trung thu.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng bánh trung thu theo quy định của pháp luật.
Ông Hùng cho hay mục đích của kế hoạch nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh bánh trung thu. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt hàng giả, hàng nhập lậu chứa chất độc hại, không đảm bảo an toàn.