Cần làm gì nếu bị sứa cắn khi tắm biển?
Nhiều người từng bị sứa cắn khi tắm biển, có trường hợp chỉ mẩn ngứa nhẹ nhưng cũng có trường hợp xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Loài sứa sống ở vùng biển, trên thực tế, chúng không chủ động cắn con người. Chúng ta bị sứa cắn thường là do chúng ta vô tình chạm phải con sứa khi đang bơi. Những con sứa sống có chứa nhiều độc tố trong các Nematocyst (tế bào châm) trên xúc tu, khi chúng cắn người, độc tố từ xúc tu sẽ ngấm qua da đi vào cơ thể con người, gây nguy hiểm cho sức khỏe của mọi người.
Ngoài ra, khi chạm hay dẫm đạp lên những con sứa đã chết trên bờ biển, những chất độc từ xúc tu cũng sẽ tiêm vào cơ thể người và gây nên những triệu chứng của sứa cắn.
Dấu hiệu bị sứa cắn
Trong các loại sứa, sứa độc nhất là sứa lửa, còn những loại khác cũng độc nhưng mức độ nhẹ hơn và cách xử lý cũng đơn giản hơn. Khi bị sứa cắn, biểu hiện nhẹ thường chỉ là các phản ứng ngoài da như: ngứa, rát, nổi mẩn đỏ, toàn thân thấy khó chịu, chỗ vết thương có dạng xoắn hoặc thẳng nổi đầy bọng nước.
Biểu hiện nặng có thể là đau đầu, người tím tái, bị tức ngực, khó thở, ra mồ hôi nhiều, buồn nôn, nôn ói, bị đau bụng, tiêu chảy nhiều, tụt huyết áp, mạch đập nhỏ, nhanh… Khi có biểu hiện bệnh nặng cần đưa đến bệnh viên ngay để tránh bị sốc phản vệ.
Ngoài ra, ở tình trạng bán cấp, thường là sau 15 phút bị sứa cắn, bàn tay, bàn chân người bệnh bị ngứa, nổi mẩn từng vùng da 1 rồi nổi mề đay khắp thân, mạch đập nhanh, huyết áp thấp, khó thở, ho khan, ra mồ hôi nhiều, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, chảy nước mắt, nước mũi… cần đưa đến bệnh viện ngay.
Cách xử lý khi bị sứa cắn
- Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện bị sứa cắn, nạn nhân và người nhà cần bình tĩnh đưa nạn nhân ra khỏi vùng nước đang có sứa.
- Đeo găng tay hoặc túi nilon để lấy nhanh sứa ra khỏi cơ thể nạn nhân (nếu có). Cố gắng hạn chế tiếp xúc với độc tố từ xúc tu của sứa.
- Sử dụng vật có cạnh như: mảnh cây, muỗng, vỏ sò, bìa sách cứng cạo nhẹ để loại bỏ bớt tế bào độc của sứa trên da
- Rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch độc tố. Tuyệt đối không rửa vết thương bằng nước ngọt hay các loại nước khác vì có thể làm tổn thương nặng hơn.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Để chủ động, hạn chế khả năng bị sứa cắn hoặc làm vết cắn nặng hơn, khi tắm biển nếu thấy cơ thể bị ngứa hay khó chịu, bạn cần lên bờ ngay để kiểm tra xem có phải bị sứa cắn không để phát hiện và điều trị kịp thời.