Thứ tư, 04/01/2023, 10:52 (GMT+7)

Cách bày mâm ngũ quả đẹp nhất theo phong tục từng miền

Mâm ngũ quả là một nét phong tục truyền thống của con người Việt Nam. Tùy theo văn hóa của từng miền mà mỗi nơi sẽ có cách bày mâm ngũ quả khác nhau, song đều mang nét đẹp và ý nghĩa đặc trưng của mỗi miền Bắc, Trung, Nam.

1. Ý nghĩa của mâm ngũ quả

Trong Phật Giáo, 5 màu sắc của mâm ngũ quả tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

Ngũ (五)

Ngũ trong chữ Nho có nghĩa là 5, biểu tượng chung của sự sống. Ngũ trong mâm ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng để thờ cúng. 

Trong sách Chiêm thư, để dự đoán được/mất của các mùa vụ lương thực trong năm, người ta thường nhìn vào ngũ quả. Theo thời gian, sự xác tín biến thành tập tục, “ngũ quả” có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân. 

Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.

Quả

Quả là biểu tượng cho sự sung túc, có ý nghĩa sinh sôi, trường tồn, tái sinh bất tận của sự sống. 

Tùy theo hình dáng, cấu tạo, màu sắc và hương vị mà mỗi loại quả sẽ có những ý nghĩa riêng:

Quả bưởi, dưa hấu: Căng tròn, thể hiện sự đủ đầy, may mắn.

Trái hồng, quýt: Sắc đỏ cam rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thành đạt.

Trái lê: Làm việc gì cũng suôn sẻ, thuận lợi.

Trái lựu: Ý nghĩa cầu mong gia đình sung túc, sum vầy, con đàn cháu đống

Trái đào: Tượng trưng cho sự thăng tiến.

Trái táo (táo đỏ): tượng trưng cho sự yên bình và hòa hợp, màu đỏ của táo còn mang ý nghĩa tốt lành.

Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ và biểu trưng cho sự cát tường, thịnh vượng. Theo quan niệm người dân, nếu được rồng ghé thăm nhà thì vào đầu năm thì cả năm được may mắn, phát tài phát lộc.

Dừa: Người miền Nam phát âm là “vừa”, với cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.

Sung: Thể hiện mong muốn sung túc trong mọi mặt như sức khỏe, công việc, tình yêu,...

Đu đủ: Mang đến sự đầy đủ, phồn thịnh.

Xoài: Có âm na ná như là “xài” nếu đọc theo kiểu miền Tây, cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn.

2. Cách bày mâm ngũ quả đẹp nhất theo từng miền

Mâm ngũ quả miền Bắc

Người miền Bắc trọng lễ nghĩa và rất coi trọng đời sống tâm linh nên họ đặc biệt coi trọng ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết. Mâm ngũ quả miền Bắc bày theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông gồm: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tương ứng với 5 màu: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng.

Chuối được xem là loại quả chủ lực cho toàn bộ mâm ngũ quả cúng Tết. Loại quả tiếp theo không thể thiếu trong mâm ngũ quả của người miền Bắc là phật thủ (tượng trưng cho bàn tay phật) hoặc bưởi – hai loại trái cây này có thể sử dụng thay thế cho nhau.

mâm ngũ quả miền bắc tiepthigiadinh
Mâm ngũ quả miền Bắc không thể thiếu chuối và phật thủ

Các loại quả nhỏ còn lại có thể linh hoạt lựa chọn như màu đỏ, hồng hoặc các màu sắc khác như cam quýt, mận, táo… để xung quanh các loại quả chính trên. 

Đặc biệt người miền Bắc quan niệm dĩa đựng mâm ngũ quả phải là loại dĩa tròn chứ không phải các loại hình thù khác. Dĩa tròn tượng trưng cho sự tròn đầy, sung túc và no đủ, điều này tượng trưng cho năm mới với mong muốn của người dân được ấm no và đầy đủ tốt lành hơn năm mới.

Hướng dẫn bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc chi tiết

Nguyên liệu:

1 nải chuối

1 quả mãng cầu

2 quả táo

1 quả lê

10 quả quýt

2 quả vú sữa

1 quả phật thủ

1 quả thanh long

2 quả xoài

Quất 

Cách thực hiện:

Bước 1: Đặt nải chuối vào giữa đĩa

Bước 2: Xung quanh phía dưới nải chuối ta sẽ thêm vào 1 quả xoài, 2 quả vú sữa và 2 quả táo đối xứng hai bên ở mặt trước.

Bước 3: Bên cạnh nải chuối, ta đặt vào mỗi bên 2 quả quýt xếp chồng lên nhau.

Bước 4: Mặt sau, đặt quả thanh long lên giữa nải chuối, xung quanh là quả xoài, quả phật thủ và quả lê, đồng thời bày trí các quả quýt phía dưới để giữ vững.

Bước 5: Cuối cùng, đặt phía sau là quả mãng cầu, xung quanh thành dĩa là những quất sao cho đẹp mắt.

Mâm ngũ quả miền Trung

Miền Trung thường phải gánh chịu bão lũ, hạn hán, cộng với việc đất đai cằn cỗi, hạn hán quanh năm nên đất đai cũng không được màu mỡ, ít cây trái. Vì vậy, mâm ngũ quả của người miền Trung rất đơn giản, không câu nệ hình thức, có gì cúng nấy, miễn là tươi ngon để thành tâm dâng kính tổ tiên.

Các loại quả thường có trong mâm ngũ quả miền Trung là: thanh long, chuối, dứa, dừa, mãng cầu, cam, dưa hấu,...

mâm ngũ quả miền trung tiepthigiadinh
Mâm ngũ quả của người miền Trung rất đơn giản, không câu nệ hình thức nhưng vẫn đẹp mắt

Cách bày mâm ngũ quả miền Trung

Nguyên liệu:

14 quả quýt

1 quả dưa hấu

1 quả lê

1 quả phật thủ

1 quả táo

4 quả xoài

1 quả vú sữa

10 quả quất 

Cách thực hiện:

Bước 1: Đặt dưa hấu vào giữa dĩa, đồng thời xếp đầy quýt ở thành dĩa.

Bước 2: Đặt bên cạnh dưa hấu là quả phật thủ và quả lê, phía trước và sau sẽ là xoài và quýt.

Bước 3: Đặt thêm vào bên cạnh dưa hấu một quả táo và một quả vú sữa ở phía trên mặt.

Bước 4: Cuối cùng, để quất xung quanh dĩa vào những khoảng trống sao cho đẹp mắt.

Mâm ngũ quả miền Nam

Các loại hoa quả trong miền Nam khá phong phú, người dân nơi đây thường chọn 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài để bày mâm ngũ quả với ước muốn “Cầu sung vừa đủ sài” – mong cho năm mới đầy đủ, sung túc.

Để mang lại sự may mắn, trọn vẹn thì các gia đình miền Nam thường không cúng các loại quả như chuối (chúi nhủi, làm ăn không phất lên được); lê (lê lết, đổ bể, thất bại).

Cách bày mâm ngũ quả miền Nam thường bắt đầu với những quả lớn như mãng cầu, đu đủ, dừa đặt trước để lấy thế, sau đó bày các quả nhỏ lên trên, sắp xếp hợp lý để có hình dạng như ngọn tháp. Ngoài ra, có thể đặt thêm cặp dưa hấu ở 2 bên sau khi đã hoàn thành mâm quả.

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết chuẩn phong tục miền Nam

Nguyên liệu:

12 quả quýt

5 quả xoài

1 quả vú sữa

1 quả phật thủ

1 quả thanh long

1 quả lê

1 quả táo

8 quả quất

Cách thực hiện:

Bước 1: Đặt quýt vào trong lòng dĩa.

Bước 2: Trên thành dĩa đặt xen kẽ 1 quả xoài với 1 quả quýt.

Bước 3: Tiếp đến, đặt thanh long ở giữa (phía trên quýt), xung quanh là vú sữa, phật thủ, táo, 1 quả quýt và lê để giữ thanh long đứng vững.

Bước 4 Cuối cũng, đặt quất vào giữa xoài và quýt ở thành dĩa, và vào những khoảng trống sao cho đẹp mắt.

Mâm ngũ quả miền nam tiepthigiadinh
Người miền Nam thường đặt thêm dưa hấu ở hai bên, ở giữa là mâm ngũ quả

3. Những lưu ý khi khi bày mâm ngũ quả ngày Tết để tránh mắc sai lầm

  • Mâm ngũ quả mang ý nghĩa theo thuyết Ngũ hành của phương đông. Vì thế khi trang trí mâm ngũ quả bạn nên bày đủ 5 màu ngũ hành, tránh chọn các loại trái cây không có ý nghĩa hoặc không đủ 5 màu của ngũ hành.

  • Chọn quả chắc tay, không bị dập, trầy xước, còn cuống và lá.

  • Không nên lựa chọn những loại quả có các hương vị như: đắng, cay, chát như: khổ qua, ớt…để thắp hương trên bàn thờ. Những loại quả này sẽ khiến người ta liên tưởng đến những thăng trầm cay, đắng trong cuộc sống. 

  • Tránh rửa các loại quả với nước vì chúng sẽ dễ bị héo và thối hỏng, chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch sẽ.

  • Trên mâm ngũ quả thì chỉ bày quả chứ không nên đặt thêm hoa hoặc bất cứ thực phẩm nào khác.

  • Không nên chọn các loại quả đã chín thì chúng dễ bị hỏng trong thời gian từ 5 ngày 1 tuần trong Tết, sức nóng của nhang khi thắp sẽ khiến những loại quả này nhanh hỏng.

  • Tránh những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa…không nên để những gì quá nặng mùi hay sắc nhọn lên bàn thờ vì đây là nơi thiêng liêng.

4. Một số hình ảnh về mâm ngũ quả đẹp nhất 

mâm ngũ quả tiepthigiadinh
Hãy khắc thêm chữ ở các loại quả to để mâm ngũ quả thêm độc đáo nhé
mâm ngũ quả tiepthigiadinh
Mâm ngũ quả với hai loại quả chuối và bưởi làm chủ đạo
mâm ngũ quả tiepthigiadinh
Mâm ngũ quả với các loại quả đơn giản, phổ biến
mâm ngũ quả tiepthigiadinh
Mâm ngũ quả vô cùng bắt mắt theo phong tục miền Nam
Cùng chuyên mục