Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 17/06/2024, 06:09 (GMT+7)

Cần chế tài đủ mạnh để xử lý nạn buôn bán trái phép "bóng cười"

Bất chấp những cảnh báo nguy hiểm đến sức khỏe người dùng, nhiều đối tượng vẫn kinh doanh, buôn bán "bóng cười" (khí N2O) trái phép để hưởng lợi bất chính.

Nhức nhối tình trạng buôn bán trái phép

Theo Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa vừa kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại 28A đường Nguyễn Xiển, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do ông Hoàng Văn Tùng làm chủ.

Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện cơ sở đang kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập Hộ kinh doanh theo quy định; kinh doanh hóa chất (khí N2O) thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã quyết định xử phạt hành chính đối với ông Hoàng Văn Tùng số tiền 128,50 triệu đồng, tịch thu các tang vật vi phạm, bao gồm: 82 bình kim loại có chứa 744 kg khí N2O (giá trị hàng hóa vi phạm 208,695 triệu đồng), 116 bình kim loại không có chứa khí (giá trị 26,820 triệu đồng). Tổng giá trị hàng hóa lên vi phạm lên đến hơn 235 triệu đồng. 

.
Các tang vật vi phạm được Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa phát hiện và thu giữ. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)

Trước đó, ngày 3/5/2024, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thái Duy Thọ, sinh năm 1991, trú tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương số tiền 100 triệu đồng về các hành vi: kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; kinh doanh hàng hóa (hóa chất N2O) không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện cơ sở kinh doanh do đối tượng Thái Duy Thọ đang hoạt động sang chiết, kinh doanh trái phép hàng hóa gồm 342 bình khí cười N2O các loại (bao gồm cả bình chứa khí và vỏ bình), hoạt động sang chiết để bán cho các quán karaoke, quán Bar trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa (khí N2O).

Cần chế tài xử lý đủ mạnh

Theo Bộ Công Thương, N2O là loại khí thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, do Bộ Công Thương cấp phép sản xuất, kinh doanh. Đây là nguyên liệu không thể thiếu cho ngành sản xuất công nghiệp như ngành điện tử, sản xuất thực phẩm, sử dụng trong y tế... Tuy nhiên, trong lĩnh vực giải trí, Việt Nam chưa có quy định pháp lý về việc sử dụng khí N2O.

Cùng với hiện tượng sử dụng khí N2O sai mục đích tại các tụ điểm vui chơi giải trí, một số đối tượng đã lợi dụng cơ hội này để kiếm lợi bất chính. Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với các mặt hàng khác.

Theo luật sư Nguyễn Thị Yến - Đoàn thành phố Hà Nội, để quản lý chặt chẽ hơn đối với việc kinh doanh buôn bán trái phép khí N2O cần có chế tài xử lý đủ mạnh. Việc xử phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức này sẽ có những đóng góp tích cực trong việc quản lý, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm này.

Cần chế tài đủ mạnh ngăn chặn việc kinh doanh, mua bán 'bóng cười' trái phép
Cần chế tài đủ mạnh ngăn chặn việc kinh doanh, mua bán 'bóng cười' trái phép. (Ảnh: NĐT)

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán trái phép, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đánh giá sự nguy hại của khí NO đối với sức khỏe con người, từ đó có những giải pháp quản lý chặt đối với hoạt động kinh doanh loại khí này. Có thể nghiên cứu đưa khí N2O vào diện quản lý như là chất cấm để có những chế tài nghiêm khắc, đặc biệt là chế tài về hình sự nhằm xử lý nghiêm, quyết liệt hơn đối với những đối tượng kinh doanh, buôn bán trái phép; tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên về tác hại của "bóng cười"…

Kinh doanh khí NO2 trái phép có bị xử lý hình sự?

Hiện chưa có quy định cụ thể về xử phạt hành vi sử dụng bóng cười. Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh bóng cười phải đi kèm với Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh khí N2O được xử lý theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp).

Cụ thể, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 10 Chương 2 Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 12 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, chẳng hạn như sản xuất, kinh doanh khí N2O mà không có giấy phép hợp lệ, hoặc tiếp tục hoạt động sau khi bị đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép, các hành vi này có thể bị xem như vi phạm hình sự. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự hay không sẽ phụ thuộc vào các bằng chứng cụ thể và quyết định của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng và tòa án.

Cùng chuyên mục