Buộc thôi việc cô giáo tát liên tiếp vào mặt trẻ 2 tuổi ở Hà Nội
Vụ việc cô giáo tát liên tiếp vào mặt trẻ 2 tuổi ở trung tâm giáo dục hòa nhập, huyện Quốc Oai, Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây.
Ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai, cho biết cô L.T.T. - cô giáo tát liên tiếp vào mặt bé gái 2 tuổi đã bị Trung tâm giáo dục hòa nhập B.T.X cho nghỉ việc. Đến thời điểm này, trung tâm cũng bị đình chỉ hoạt động để phối hợp với cơ quan chức năng phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ vụ việc theo quy định.
Trước đó, bé N.T.B.N. (2 tuổi) do có dấu hiệu chậm nói nên gia đình cho bé đi học can thiệp tại Trung tâm giáo dục hoà nhập B.T.X (ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) từ cuối tháng 2/2023. Đến tháng 8/2023, gia đình phát hiện con đi học về với khuôn mặt đỏ, mắt ướt nhòe, tâm lý sợ sệt.
Ngay sau đó, gia đình làm việc với chủ cơ sở và yêu cầu kiểm tra camera thì phát hiện bé N.T.B.N. bị cô giáo tát liên tiếp vào mặt. Hình ảnh ghi lại trên camera cho thấy, khi đang ngồi học, cô L.T.T. đặt điện thoại xuống và dùng tay liên tiếp đánh vào mặt bé N.T.B.N. khiến cháu bé gào khóc.
Cô L.T.T. trình bày trong bản tường trình rằng, sự việc xảy ra vào ngày 11/8, trong tiết dạy ngoài giờ kéo dài 1 tiếng đồng hồ từ 17h - 18h.
“Trong quá trình dạy, tôi đã mất kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi cá nhân do áp lực về mục tiêu bài dạy đề ra, nên tôi đã không kiềm chế được và có tác động vào trán trẻ mấy lần với lực tay hơi mạnh. Sau khi tôi nhận thức được cái sai của mình và kiểm soát được hành vi, tôi nhận ra mình đã sai nên đã bế con đứng lên và đi ra ngoài 15 - 20 giây để bình tĩnh hơn”, cô L.T.T. viết.
Cô giáo tát liên tiếp cháu bé xong thì bế bé vào phòng và để bé ngồi vào lòng dỗ dành và tiếp tục dạy cho đến hết giờ. Cô giáo này cũng thừa nhận, trong quá trình dạy có sử dụng kỹ thuật dạy luyện khẩu hình - luyện cơ quan cấu âm tới hàm và vòng họng hơi mạnh tay.
“Trong quá trình dạy, tôi có sử dụng kỹ thuật dạy luyện khẩu hình - luyện cơ quan cấu âm tới hàm và vòm họng hơi mạnh tay. Tôi nhận thấy rằng, hành vi của mình quá sai, nên khi được hỏi lại sự việc, tôi hoảng loạn và lo sợ sự khiển trách từ phía lớp học, cũng như sự trách mắng và dằn vặt của chính bản thân, nên tôi chưa xử lý tốt được ngôn từ cũng như hành vi của mình trước phụ huynh cũng như chủ nhiệm lớp.
Tôi nhận thấy hành động của mình gây nên những tổn thương sâu sắc đến con và gia đình, cũng như sự tin tưởng của lớp học đối với tôi. Tôi rất ân hận về việc này. Tôi tha thiết xin nhận được sự tha thứ từ gia đình và lớp học để tôi có cơ hội được sửa sai những lỗi lầm mà mình đã gây ra”, cô L.T.T. viết.