Thứ năm, 31/08/2023, 09:47 (GMT+7)

Bỏ ăn sáng có làm giảm trí nhớ không?

Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên và quan trọng nhất trong ngày. Bỏ ăn sáng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe.

bua sang Tiepthigiadinh H1
Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên và quan trọng nhất trong ngày

Một bữa sáng chuẩn theo khuyến nghị đạt khoảng 20-35% tổng mức năng lượng hằng ngày. Bữa sáng chính là bữa ăn cung cấp đáng kể lượng canxi, các vitamin thiết yếu và khoáng chất (vitamin A và vitamin C, kẽm và sắt). Vì thế, bữa sáng không chỉ là bữa ăn đầu tiên mà còn rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người vì lý do nào đó mà bỏ ăn sáng. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, bỏ ăn sáng sẽ mang lại nhiều tác hại cho cơ thể.  

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học của Nhật Japanese Journal of Human Sciences of Health-Social Services, không ăn sáng có liên hệ với sa sút trí tuệ. Nghiên cứu được thực hiện trên 500 người trong hơn 6 năm tại Nhật. Kết quả cho thấy, những người người không ăn sáng có nguy cơ sa sút trí tuệ cao gấp 4 lần.

Sau khi ăn sáng, carbohydrate (chất bột đường) sẽ được chuyển hóa thành glucose (đường) và tạo ra sự thay đổi nồng độ các chất serotonin, acetylcholine. Serotonin được tổng hợp trong tế bào thần kinh trung ương có chức năng điều chỉnh tâm trạng, sự cáu giận, thèm ăn, giấc ngủ, co cơ và nhận thức. Acetylcholine có chức năng dẫn truyền thần kinh và điều hòa thần kinh giúp cho con người tỉnh táo, duy trì sự chú ý và làm trung gian cho những thay đổi trong não giúp dễ nhớ và nhớ lâu. Do đó, bỏ ăn sáng làm giảm lượng đường trong máu, ngưng trệ quá trình chuyển hóa serotonin, acetylcholine và có thể ảnh hưởng tới trí nhớ.

TS. Từ Ngữ - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam khuyên mọi người không nên bỏ ăn sáng bởi từ đêm đến sáng, con người mất khoảng 15 giờ đồng hồ không được ăn gì, chưa kể còn cả một ngày dài lao động phía trước. Khi đói, thiếu năng lượng, thiếu đường ở não để hoạt động nên lúc đó chúng ta tạm thời quên. Nhưng khi được cung cấp kịp thời lượng đường glucose trở lại thì đầu óc và trí nhớ sẽ bình thường.

TS. Từ Ngữ cũng cho biết, thói quen ăn sáng theo giờ giấc cũng phần nào ảnh hưởng đến năng lượng cơ thể con người, tùy từng ngành nghề và không có thước đo chung. Nhưng tuyệt đối không nên ăn sáng muộn sau 10h sáng vì quá gần bữa ăn trưa, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe. Thời điểm tốt để ăn sáng là trước 8h sáng và nên tạo ra thời gian ăn sáng cố định mỗi ngày để có nhịp sinh hoạt đều đặn, giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn. Ăn sáng vào giờ giấc không cố định thì dạ dày không thể hoạt động theo đúng cơ chế, thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thu của dạ dày. Vì vậy, tùy vào tình hình sức khỏe, tình hình kinh tế, cách ăn của mỗi người, hãy chọn lựa bữa ăn sáng phù hợp.

Cùng chuyên mục