Thứ năm, 21/09/2023, 15:43 (GMT+7)

Bài học kinh nghiệm từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vẫn còn một số hạn chế, cần có biện pháp để khắc phục, đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình cũ vào năm 2024 diễn ra thành công.

Phương châm “4 đúng, 3 không” được thực hiện tốt

Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 thành công, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy chế, tạo niềm tin, dư luận xã hội tốt.

Để đạt được kết quả như vậy, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm. Bài học đầu tiên là về công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thông suốt quyết liệt từ Trung ương tới địa phương. Từ hệ thống văn bản chỉ đạo bao quát, tới việc thành lập bộ máy điều hành chỉ đạo, lựa chọn con người, chuẩn bị cơ sở vật chất.

thi tot nghiep THPT Tiepthigiadinh H1
Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Phương châm “4 đúng, 3 không” đã được thực hiện tốt, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; Đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; Không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức”.

Các Sở GD&ĐT và các địa phương luôn chủ động thực hiện công việc: Công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa ban chỉ đạo các cấp; Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi; Công tác thanh tra, kiểm tra: công tác thông tin, truyền thông đúng, đủ, kịp thời; Công tác chuyên môn với những đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, những điều chỉnh nhỏ mang lại hiệu quả lớn như điều chỉnh về phương pháp, thời gian truy cập kết quả thi…

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 như: Còn trường hợp vi phạm trong công tác coi thi; Công tác tham mưu, kiểm tra chậm muộn tại một số địa phương; Còn tình trạng chậm muộn trong việc tổ chức đăng ký của thí sinh tự do; Một số văn bản từng bước hoàn thiện qua nhiều năm nhưng vẫn cần hoàn thiện để làm tốt hơn; Đề thi vẫn cần phải tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa…

Với tinh thần giữ ổn định kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020 - 2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước.

5 bài học kinh nghiệm

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc đồng hành của các bộ, ngành và quyết tâm chính trị từ các địa phương trong tất cả các khâu, từ việc chuẩn bị đến tổ chức thi, chấm thi, xử lý các sự cố của kỳ thi. Vì thế, Kỳ thi đã diễn ra thành công với tỷ lệ tốt nghiệp gần 99%, các sai phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến các thí sinh khác trong kỳ thi, các vấn đề phát sinh trong đáp án thi được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi cho người học.

Ông Chương chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm từ kỳ thi. Nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để kỳ thi năm 2023 được tổ chức thành công là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với nỗ lực của toàn ngành giáo dục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội.

Hai là công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả.

Ba là sự phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với ban chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương, giữa Bộ GD&ĐT với các bộ ngành liên quan nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Ban Tuyên giáo...

Bốn là trách nhiệm toàn diện của ủy ban nhân dân các địa phương trong công tác tổ chức kỳ thi trên địa bàn với sự chuẩn bị đầy đủ các phương án, điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.

Năm là công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về kỳ thi với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương.

Cùng chuyên mục