Vinyasa yoga là gì? Đặc điểm, lợi ích và lời khuyên cho người mới bắt đầu
Vinyasa yoga là một trong những phong cách yoga hiện đại, phổ biến nhất hiện nay. Vinyasa giúp tăng tính linh hoạt, sức mạnh, sự ổn định, bình tĩnh và tập trung cho người tập loại hình yoga này.
1.Vinyasa yoga là gì?
Vinyasa yoga là một loại hình yoga đặc trưng, các tư thế được liên kết, xâu chuỗi với nhau như một mắt xích, tập trung vào hơi thở khi bạn chuyển từ tư thế này sang tư thế khác.
Chuỗi vinyasa cổ điển trong Hatha yoga là chào mặt trời. Các biến thể của chuỗi chào mặt trời lại tạo thành nền tảng cho Vinyasa yoga.
Vinyasa yoga có thể được thực hành ở mọi cấp độ, nhưng nó phù hợp nhất với những người có kinh nghiệm về yoga. Nhịp độ và nhiệt độ của một lớp học vinyasa yoga có thể thay đổi tùy theo phong cách của người hướng dẫn.
2.Đặc điểm của Vinyasa yoga
Vinyasa yoga là sự chuyển động
Vinyasa yoga đồng nghĩa với chuyển động, các chuyển động rõ ràng là cách bạn di chuyển vào và ra khỏi các tư thế. Ngay cả khi bạn ở trạng thái tĩnh,, chuyển động trong Vinyasa yoga được thể hiện bằng nhịp đập của tim bạn và hơi thở hít vào/thở ra.
Di chuyển trong vinyasa yoga với hơi thở
Vinyasa Yoga liên kết tư thế trước với tư thế sau bằng cách sử dụng hơi thở. Thực hành trong vinyasa yoga còn được gọi là “đồng bộ hóa hơi thở”, vì hơi thở bắt đầu chuyển động trong Vinyasa.
Thực hành Vinyasa tạo ra nhiệt, xây dựng sức mạnh, tính linh hoạt.
Bạn có thể trải nghiệm các loại hình yoga khác với các tư thế đứng, nằm ngửa, gập người về phía trước,... chỉ trong lớp học Vinyasa Yoga.
Ví dụ về thực hành chuỗi vinyasa yoga bằng hơi thở
- Hít vào tư thế Plank
- Thở ra với tư thế Chaturanga hoặc Knees Chest Chin
- Hít vào với tư thế Chó ngửa mặt hoặc Rắn hổ mang
- Thở ra với tư thế chó úp mặt
3.Tác dụng của Vinyasa yoga
Vinyasa Yoga là một bài tập giúp tăng cường sức mạnh, đổ mồ hôi và tiếp thêm sinh lực.
Loại hình yoga này tập với nhịp độ nhanh sẽ tạo ra nhiệt, giúp giải độc cơ thể, tăng mật độ xương, cải thiện sức khỏe tim mạch và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Việc liên tục tập trung vào hơi thở trong khi thực hiện các tư thế giúp tăng cường sức khỏe hô hấp, làm dịu tâm trí, đồng thời tăng cường sự tập trung và chú ý.
Tập vinyasa yoga còn giúp giảm căng thẳng, tái tạo năng lượng cho cơ thể và giúp bạn ngủ ngon hơn.
Vinyasa yoga cũng mang lại tác dụng giảm cân hiệu quả. Số lượng calo bị đốt cháy trong khi thực hiện vinyasa yoga phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau. Trọng lượng cơ thể, cường độ và mức độ quen thuộc với việc luyện tập cũng rất quan trọng. Một người trung bình nặng khoảng 70kg có thể đốt cháy khoảng 590 calo bằng cách thực hiện động tác vinyasa trong một giờ.
Vinyasa yoga làm giảm xơ cứng động mạch xảy ra do tuổi tác, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ huyết áp cao.
Vinyasa yoga cũng giúp giảm lượng đường và cholesterol trong máu.
Vinyasa yoga cũng đã được chứng minh là có khả năng trong việc giảm nguy cơ lo lắng và trầm cảm.
4.Các tư thế của Vinyasa yoga
Tư thế plank
Tư thế plank thấp
Tư thế chó úp mặt
Tư thế cái ghế
Tư thế con thuyền
5.Lời khuyên khi tập Vinyasa yoga cho người mới bắt đầu
Tập trung vào hơi thở
Lúc đầu, việc đồng bộ hóa chuyển động với hơi thở của bạn trong vinyasa có thể hơi khó khăn và rối rắm. Tuy nhiên, một khi bạn đã hiểu rõ về nó và thiết lập một nhịp điệu phù hợp với cơ thể của mình, vinyasa cuối cùng có thể giúp bạn tập trung và nhận thức sâu sắc hơn. Nếu bạn đang gặp khó khăn với hơi thở của mình, hãy biết rằng bạn có thể thở thêm hoặc giảm tốc độ và bỏ qua một số động tác để theo kịp dòng chảy của lớp học. Cho phép bản thân hòa mình vào nhịp điệu và dòng chảy của quá trình luyện tập thay vì bị cuốn vào các tư thế hoặc chi tiết cụ thể.
Vinyasa yoga có thể gây chấn thương
Nếu tập không đúng cách, bạn có thể gặp một số chấn thương trong quá trình luyện tập. 3 vị trí dễ gặp chấn thương trong vinyasa yoga là cổ tay, lưng và đầu gối.
Để giữ an toàn khi tập, bạn phải biết cách kiểm soát bản thân khi chuyển động.
Một số lưu ý trước khi học vinyasa yoga
Các lớp học vinyasa thường có nhịp độ nhanh, cường độ cao, không phù hợp với những đối tượng có vấn đề về đầu gối, vai hoặc cổ.
Nếu bạn từng bị chấn thương, có bệnh mãn tính, tiền sử mắc bệnh nền, mang thai,... bạn nên hỏi bác sĩ trước khi tham gia lớp học Vinyasa yoga.