Uống trà quá nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Trà không chỉ ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống trà quá nhiều sẽ gây phản tác dụng và thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Tăng căng thẳng và khó ngủ
Uống trà vừa phải có thể có tác dụng làm dịu thần kinh, nhưng tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến lo lắng, căng thẳng và bồn chồn. Điều này là do trà có chứa caffein, một chất kích thích tự nhiên có thể cản trở giấc ngủ và kích hoạt giải phóng các hormone gây căng thẳng trong cơ thể.
Uống trà nhiều cũng làm chất lượng giấc ngủ giảm sút. Hàm lượng lớn caffeine trong trà cũng là nguyên nhân gây gián đoạn chu kỳ ngủ – thức của một người. Điều này xuất phát từ việc caffeine ức chế quá trình sản sinh melatonin, một loại hormone đóng vai trò quyết định chất lượng giấc ngủ.
Theo nghiên cứu, hồng trà có xu hướng chứa nhiều caffeine hơn trà xanh. Bên cạnh đó, thời gian ngâm lá trà càng lâu, lượng caffeine tiết ra trong ly trà càng nhiều. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng lượng caffeine trong trà mỗi ngày chỉ giới hạn dưới 200 mg để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Gây ra các vấn đề về răng miệng
Các loại trà đặc biệt là trà đen có thể làm ố răng của bạn theo thời gian. Ngoài ra, hàm lượng tannin cao trong trà góp phần hình thành mảng bám và sâu răng. Do đó, hãy vệ sinh răng miệng thật tốt và hạn chế uống trà khi xuất hiện các dấu hiệu về răng miệng.
Có thể dẫn đến mất nước
Uống trà quá nhiều có thể dẫn đến mất nước, đặc biệt là trong những ngày hè nóng bức. Khi uống quá nhiều trà, cơ thể bạn mất nhiều nước hơn so với lượng nước nạp vào.
Gây trào ngược dạ dày
Một số người có thể bị buồn nôn hoặc trào ngược axit khi uống quá nhiều trà. Chất tanin có khiến trà có vị đắng chát, có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa khi tiêu thụ với số lượng lớn. Từ đó kéo theo các triệu chứng khó chịu như đau dạ dày, cào ruột, buồn nôn…
Những người nhạy cảm không nên dùng quá 500ml trà/ ngày để giảm tác dụng phụ của trà. Bạn có thể khắc phục bằng cách dùng thêm thức ăn nhẹ hoặc cho thêm ít sữa vào trà. Sau khi phản ứng với protein và carbohydrate, khả năng kích ứng tiêu hóa của tannin sẽ giảm đi đáng kể.
Giảm khả năng hấp thụ sắt
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Food Research International, tannins trong trà có thể ức chế khả năng hấp thụ sắt của cơ thể khi tiêu thụ quá mức (hơn 4 tách trà/ngày). Tannins liên kết với sắt, đặc biệt là sắt non-heme – loại sắt được tìm thấy trong các loại thực vật như rau bina, đậu và các loại hạt.
Mặc dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu dài hạn về mối liên hệ giữa uống trà và khả năng hấp thụ sắt, tốt nhất hãy đảm bảo chế độ ăn của bạn có thực phẩm giàu chất sắt. Điều này có thể giúp bạn giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của tannin đến khả năng hấp thụ sắt.
Phụ thuộc caffeine
Caffeine là một chất kích thích mà khi tiêu thụ nhiều có thể trở thành thói quen khó bỏ. Việc uống trà quá nhiều hoặc bất kỳ đồ uống chứa caffeine nào có thể dẫn đến sự phụ thuộc. Khi ngừng tiêu thụ trà, cơ thể bạn sẽ xuất hiện những triệu chứng như: đau đầu, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, khó chịu…
Mức độ uống trà để trở nên phụ thuộc có thể thay đổi tùy thuộc vào mỗi người. Theo một số nghiên cứu, sự phụ thuộc có thể bắt đầu sau ít nhất 3 ngày uống liên tục, với mức độ nghiêm trọng tăng dần theo thời gian.