Thứ sáu, 14/07/2023, 19:14 (GMT+7)

Trước Vinamilk, nhiều thương hiệu từng nhận "gạch" vì đổi logo

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Không chỉ Vinamilk, nhiều thương hiệu nổi tiếng dù chịu chi hàng tỷ đồng, mất hàng năm “thai nghén” vẫn chịu vô số "gạch đá" vì thay đổi logo nhận diện.

Thay đổi nhận diện thương hiệu là một trong những chiến lược kinh doanh đầy táo bạo của các nhãn hàng. Đây được xem như cơ hội để các thương hiệu tự làm mới mình, đồng thời bắt kịp xu thế phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, không phải lần tái định vị nào cũng nhận được phản ứng tích cực từ công chúng, đặc biệt là khi thay đổi logo. Trường hợp mới đây nhất chính là sự kiện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố nhận diện thương hiệu mới.

Không phải cứ nhiều tiền, nhiều thời gian thì sẽ được yêu thích

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, công ty mất hơn một năm để chuẩn bị cho lần tái định vị này, đội ngũ thực hiện là những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kể từ khi công bố sự thay đổi trong thiết kế logo, Vinamilk nhận về không ít ý kiến trái chiều.

lo-go-vinamilk
Thiết kế logo mới của Vinamilk nhận về không ít ý kiến trái chiều (Ảnh: Brands Việt Nam)

Nhiều người nói sắc xanh tím mới trong logo không thực sự bắt mắt và nổi trội. Đặc biệt nếu sử dụng trên bao bì sản phẩm thì sẽ không có gì ấn tượng. Thậm chí, có không ít ý kiến cho rằng họ cảm thấy thất vọng vì sự thay đổi không phù hợp của hãng sữa nổi tiếng này. 

Cần phải có thời gian để công chúng làm quen

Câu chuyện thay đổi nhận diện thương hiệu của Vinamilk tuy có không ít tranh cãi xoay quanh nhưng cũng mang lại một số thành công nhỏ trong chiến dịch marketing của hãng. Cụ thể là trend tự tạo avatar theo phong cách Vinamilk cho người dùng Facebook đang rất rầm rộ trong những ngày này.

Trước Vinamilk, vào tháng 11/2021, MBBank cũng đã khiến dư luận dậy sóng không ít khi ra mắt logo mới. MBBank có mục tiêu chiến lược muốn trở thành một ngân hàng số thông minh, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó ngân hàng cũng nhận về nhiều ý kiến nhận xét rằng thiết kế này đang đi lùi lại với xu thế xã hội. 

lo-go-mb
Nhiều người nhận xét thiết kế logo MB đang đi lùi lại với xu thế (Ảnh: Brands Việt Nam)

Vấp phải không ít “chê bai” nhưng đổi lại, MBBank lại có thể gia tăng mức độ phủ sóng cùng sự quan tâm của công chúng. Ngoài ra, ngân hàng cũng ghi điểm khi quyết định đổi mới theo hướng năng động, hiện đại hơn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các tương tác với khách hàng và triển khai chiến dịch cấp số tài khoản đẹp cũng là điều được không ít người ủng hộ.

Một ví dụ khác tiêu biểu là Tập đoàn Viettel khi trình làng logo mới có sự thay đổi từ biểu tượng hai màu xanh – vàng kinh điển sang chữ Viettel màu đỏ. Mới đầu, Tập đoàn Công nghệ này cũng không thoát khỏi "búa rìu" gắt gao của dư luận. Song theo thời gian, khi dần quen với hình ảnh mới này, công chúng cũng không còn khắt khe như trước. Lần tái định vị kinh điển này được xem là một trong những bệ phóng giúp thu hút sự chú ý trên thị trường của Viettel.

lo-go-viettel
Viettel cũng không thoát khỏi "búa rìu" gắt gao của dư luận khi mới đầu thay đổi nhận diện (Ảnh: Brands Việt Nam)

Trên trường quốc tế cũng có không ít lần tái định vị thương hiệu "tai tiếng" không thể không nhắc đến. Câu chuyện khó quên nhất cần phải kể đến là Xiaomi. Thương hiệu này tuyên bố rằng đã đầu tư 2 triệu Nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ VND) và có 10 tháng để chuẩn bị cho logo mới. Những tưởng sẽ nhận được cơn mưa lời khen nhưng thật bất ngờ khi điều nhận được lại là bao "gạch đá" từ công chúng. 

Logo của Xiaomi không bị chê bai bởi những thay đổi quá lớn mà ngược lại, rất giống bản cũ. Tuy không có nhiều khác biệt nhưng lại phải mất đến 20 phút để giới thiệu với công chúng. Nhiều bình luận cho rằng việc tốn đến 2 triệu Nhân dân tệ cho một thiết kế được chỉnh sửa như không là quá đắt.

lo-go-xiaomi
Logo Xiaomi đặc biệt giống bản cũ, không có nhiều thay đổi (Ảnh: Brands Việt Nam)

Tuy vậy, sau cùng người được lợi vẫn thuộc về chính chủ. Bởi mất 7 tỉ VND nhưng con số hiệu ứng truyền thông mà Xiaomi nhận được là rất lớn. Mục đích của thay đổi này được giải thích là để thế giới có thể nhìn thấy được thời kì phát triển của thương hiệu này đang bắt đầu.

Ngoài ra, vào năm 2016 trước đó, Uber và Instagram cũng là hai thương hiệu lớn gây nhiều tranh cãi khi thay đổi logo nhận diện. Uber đã có nước đi khó lường khi bỏ logo chữ U còn Instagram lại bỏ đi biểu tượng hình camera,..

Nhìn chung, việc một nhãn hàng quyết định tái định vị nhận diện là không ít trong thị trường hiện nay. Khi đổi mới, họ phải chấp nhận những tranh cãi, chê bai hay thậm chí là tẩy chay của công chúng. Sự khác biệt lúc đầu có thể khó chấp nhận với công chúng khi họ đã vốn quen với những thứ thân thuộc. Tuy vậy, về lâu dài, điều quyết định có thành công hay không vẫn phụ thuộc vào chiến lược mà doanh nghiệp đã vạch ra ban đầu.  

Cùng chuyên mục