TPHCM: Khó xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng?
Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, thời gian qua sở này gặp nhiều khó khăn đối với quảng cáo trên mạng xã hội, rất khó xác định được chủ thể vi phạm.
Theo thông tin từ Sở An toàn thực phẩm TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở này đã thực hiện công tác rà soát, tổng hợp các nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang website và mạng xã hội với 5.760 sản phẩm.
Trong đó, phát hiện 95 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm xác định được chủ thể vi phạm chuyển Thanh tra Sở xử lý, giám sát.
Các hành vi vi phạm gồm: thiếu khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng công dụng khẳng định chữa dứt định bệnh hoặc đẩy lùi bệnh...
Sở An toàn thực phẩm cho rằng, trong quá trình rà soát, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo, có phát sinh một số vướng mắc, khó khăn. Đối với quảng cáotrên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok), rất khó xác định được chủ thể (chủ tài khoản) thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; mạng xã hội có máy chủ đặt tại nước ngoài nên khó khăn trong việc yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các tài khoản vi phạm.
Đối với quảng cáo trên internet, trang thương mại điện tử thì gặp khó khăn trong việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là ai (cá nhân, tổ chức sở hữu sản phẩm, đơn vị phân phối, người sở hữu website, tên miền, diễn viên trong video quảng cáo)…
Do đó, Sở An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng phải hiểu đây là sản phẩm hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật…
Trong thời gian tới, Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiên quyết xử lý và công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Người tiêu dùng nên lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan quản lý xác nhận sản phẩm được lưu hành (sản phẩm đã được cấp Giấy đăng ký công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm). Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, kiểm tra nhãn sản phẩm, hạn sử dụng và các thông tin liên quan đến tính năng, công dụng của sản phẩm theo quy định”, Sở An toàn thực phẩm lưu ý.
Sở An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật quảng cáo hiện hành. Lưu ý, quảng cáo công dụng sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ chức năng bộ phận cơ thể, không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
"Căn cứ theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/6/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.00.000 đồng", Sở An toàn thực phẩm nêu rõ.